Xôn xao cây gãy đổ rễ còn nguyên bọc bầu, chuyên gia nói gì?

Google News

Hình ảnh một số cây xanh gãy đổ ở Hà Nội rễ còn nguyên bọc bầu, hố trồng quá nông khiến nhiều người phẫn nộ. Chuyên gia cho rằng, cần thận trọng khi đánh giá.

Theo thống kê của thành phố Hà Nội, sau cơn bão số 3 Yagi, trên địa bàn thành phố có hơn 24.000 cây bị gãy đổ, trong đó, có nhiều cây cổ thụ. Cùng với nỗi tiếc xót mất đi những “lá phổi” của Hà Nội, mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh cây bị gãy đổ mà bộ rễ còn nguyên bọc bầu với nỗi phẫn nộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc  cây đã bị trồng sai kỹ thuật đã dẫn tới hậu quả đau lòng này, cần phải điều tra, xử lý nghiêm. Cùng với đó, là tìm cách cứu những cây bị gãy, đổ, đặc biệt là cây cổ thụ, không chỉ là bóng mát, mà còn lưu giữ ký ức Hà Nội.

Xon xao cay gay do re con nguyen boc bau, chuyen gia noi gi?
 Hình ảnh cây xanh gãy đổ với bộ rễ còn trong bọc bầu lan truyền trên mạng. Ảnh: MXH.

Cần sự lên tiếng của đơn vị giám sát kỹ thuật

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Trần Ngọc Hải, chuyên gia về  thực vật cây xanh cho hay, ông có nắm được thông tin mạng xã hội xôn xao về việc cây xanh bị gãy đổ mà một số gốc phía dưới còn nguyên bao tải hay cuốn bằng nhiều lớp lưới làm giàn che. Việc bó bầu giúp khi vận chuyển không bị vỡ bầu, nâng cao tỷ lệ sống cho cây. Nhưng khi trồng cần cắt và gỡ bỏ rồi mới lấp đất.

Tuy nhiên, trong buổi khảo sát ở một số tuyến phố có cây gãy đổ vào chiều 9/9, ông chưa gặp trường hợp nào như vậy. Cần thêm việc khảo sát trên các tuyến phố khác trên địa bàn thành phố Hà Nội để đánh giá khách quan.

“Cần phải xác minh xem những cây lan truyền trên mạng đó ở đâu, gãy đổ vào thời điểm nào, có đúng là trên địa bàn Hà Nội sau trận bão Yagi vừa qua hay không. Thực tế, trước khi một dự án được triển khai, bao giờ cũng có yêu cầu phải có thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, khi triển khai sẽ có bộ phận theo dõi, giám sát. Việc này, theo tôi, cần đơn vị giám sát kỹ thuật lên tiếng”, ông Hải nói.

PGS.TS Trần Ngọc Hải cho biết, từ thực tế đi khảo sát ông thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cây bị gãy đổ. Trước tiên phải kể đến gió to và mưa lớn. Đi sâu tìm hiểu thì thấy, rất nhiều loài bị gãy, đổ bởi bão như Phượng vĩ, Lim xẹt, Sấu, Bằng lăng tím, Lát hoa, Ban… Những cây xanh bị gãy đổ gồm cả cây to và cây nhỏ, nhiều cây trên 50 năm tuổi, ở nhiều vị trí khác nhau như trên các hè phố, vườn hoa, công viên, dải phân cách hay ven bờ sông, ven hồ…

Xon xao cay gay do re con nguyen boc bau, chuyen gia noi gi?-Hinh-2
 Bộ rễ này không đỡ nổi tán và thân cây cao, to. Ảnh: PGS.TS Trần Ngọc Hải.

Nguyên nhân thứ 2, nhiều cây bị gãy đổ có đường kính lên tới nửa mét, nhưng bộ rễ bên và rễ cọc kém phát triển so với thân cây và tán lá. Bộ rễ bị bó gọn trong không gian hẹp dưới mặt đất bởi gạch, đá xây quây thành bồn. Chính việc mất cân đối giữa bộ rễ, thân cây và tán cây đã làm cho cây dễ đổ khi bị gió to, mưa.

Như những cây ven bờ sông, một bên là kè bên bờ sông, một bên là kè đường; hoặc là cây trong phố, khi xây dựng hệ thống cấp thoát nước, hay cáp ngầm, điện ngầm… người thi công thường chặt rễ cây để lắp đặt các công trình. Ngoài ra, nhiều thiều tuyến phố khoảng 5 năm lại một lần cải tạo lại đường, hè phố… cũng là nguyên nhân khiến rễ cây bị chặt, xén.

Xon xao cay gay do re con nguyen boc bau, chuyen gia noi gi?-Hinh-3
 Rễ cây không phát triển ra khỏi bồn xây. Ảnh: Mai Loan.

Còn đối với những cây ở khu vực mới xây dựng, hầu hết các công trình đều bơm cát vào trên nền ruộng cũ đất chuyển đổi từ nông nghiệp sang để tạo mặt bằng. Khi thi công, đã đào các rãnh sâu để làm công trình ngầm, rồi lấp đổ cát xuống, Khi trồng cây ở khu vực này bộ rễ cây không thể bám trụ chắc chắn trên loại đất này, đặc biệt khi mưa to, gió lớn gốc rất dễ bị lay đổ vì cát không phải là đất có kết cấu tốt cho việc trồng cây xanh đường phố.

“Bình thường chỉ một cơn giông, hoặc mưa, hoặc bão cấp 4, 5 cũng có thể làm đổ cây”, ông Hải nói.

Xon xao cay gay do re con nguyen boc bau, chuyen gia noi gi?-Hinh-4
 Những cây to cũng bị bật gốc. Ảnh: Mai Loan.

Một nguyên nhân nữa khiến cây xanh gãy đổ, theo ông Hải, những cây to ở một số tuyến phố, dân xây nhà cao tầng, những cành phía nhà được đốn bỏ, tán lá ở phía ngoài đường phát triển làm cho cây bị lệch tán. Có những cây cao từ 25-30m, mà lại chỉ có một bên tán, sẽ bị lệch. Với khối lượng của cây rất lớn, khi bão về, cây sẽ giống như một cánh buồm gió, trong khi rễ dưới gốc lại bị bó hẹp lại nên cây rất dễ bị đổ.

“Thực tế cho thấy, rất nhiều cây lớn, cổ thụ, trồng lâu năm cũng bị đổ trong bão Yagi”, PGS.TS Trần Ngọc Hải cho hay.

Có thể trồng lại cây gãy đổ nhưng cần có cảnh báo

Trong văn bản khắc phục hậu quả bão Yagi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Hà Nội cứu cây xanh gãy, đổ. Theo đó, cây cần bảo tồn, cây quý hiếm có giá trị, cây nhỏ đường kính dưới 25 cm bị gãy, đổ sẽ được đánh giá để trồng lại tại chỗ hoặc đưa về vườn ươm chăm sóc.

Xon xao cay gay do re con nguyen boc bau, chuyen gia noi gi?-Hinh-5
Hình ảnh khiến nhiều người xót xa sau bão, những "lá phổi xanh" của Thủ đô gãy rơi dưới đường, bánh xe cán qua.  Ảnh: Mai Loan.

PGS.TS Trần Ngọc Hải cho hay, Hà Nội cũng đã từng thực hiện dựng lại và phục hồi cây bị đổ do mưa bão. Chẳng hạn, cây Đa ở cạnh đền Ngọc Sơn cũng đã từng bị bão quật đổ. Người ta đã dựng cây lên bằng cẩu, cắt bớt cành lá, sau đó dùng kè đá, bồi đất, dùng cọc chống để cây đứng vững. Trải qua nhiều năm tháng, đến nay, cây vẫn trụ được, và đợt bão vừa rồi vẫn đứng vững.

‘Việc cứu cây bị gãy, đổ là hoàn toàn có thể và rất cần thiết, nhất là với cây di sản, ngoài cho bóng mát, cây còn gắn với ý nghĩa tinh thần, lưu giữ ký ức Hà Nội. Một cây mấy chục năm tuổi bị đổ nếu được phục hồi thì vài năm sẽ có lại tán lá, giữ lại cảnh quan”, ông Hải nói.

Xon xao cay gay do re con nguyen boc bau, chuyen gia noi gi?-Hinh-6
 Nhiều người dân Hà Nội ví đi giữa Thủ đô mà giống như đi trong rừng, bởi cây cối gãy la liệt chắn lối. Ảnh: Mai Loan.

Theo ông Hải, để trồng lại cây bị gãy, đổ thì cần cưa bớt ngọn, đào hố sâu hơn, cho đất màu vào. Sau khi trồng cây thì dùng hệ thống khung thép để chống đỡ.

Tuy nhiên, cần lưu ý, khi trồng lại cây bị gãy, đổ phải có cảnh báo tới người dân. Bởi sau khi trồng, cây sẽ bật lên những cành mới. Những cành này còn gọi là cành “bất định”,  không  như cành cũ của cây, dễ bị gãy đổ sau này.

Một lưu ý nữa, khi trồng lại cây bị gãy đổ, là phải căn cứ vào vị trí của cây. Với những nơi đông dân cư qua lại, là nút giao thông nên hạn chế trồng lại những cây gãy đổ có kích thước lớn. Bởi khả năng chống chịu của những cây này đối với mưa bão ở những năm tiếp theo sẽ kém hơn rất nhiều so với những cây trồng mới.

Về việc có nên đưa những cây bị gãy đổ đến nơi khác để phục hồi, sau đó mới đưa lại về trồng, ông Hải cho biết, việc này sẽ rất tốn kém, cho nên cần cân nhắc.

Về thông tin cây Hà Nội dường như được trồng quá “nông”, PGS.TS Trần Ngọc Hải cho hay, trồng thế nào đều có tiêu chí về kỹ thuật. Với Hà Nội, đa số các quận, huyện đều ở vùng trũng, thấp so với mực nước ngầm, nếu trồng quá sâu, rễ cọc và cả rễ bên dễ bị nước ngầm ảnh hưởng, có thể thối rễ cọc. Điều quan trọng nhất, là nên trồng cây từ nhỏ, chứ không nên trồng những cây có đường kính 20-30cm, hoặc cao hơn 1m.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho hay, với những cây cổ thụ, thì bằng mọi giá, “còn nước còn tát” phải cứu cây, bởi trồng được một cây lâu năm không dễ, ngoài cho bóng mát, cây còn mang ý nghĩa tinh thần. Việc đưa cây đi phục hồi ở nơi khác cũng là một giải pháp, tuy nhiên, sẽ ”cực kỳ” tốn kém. “Nên phá gạch xung quanh gốc cây bị gãy đổ, đào hố sâu hơn xuống, cùng với đó, tạo những trụ chống đỡ trồng lại cây tại chỗ vẫn là tốt nhất”, GS.TS Đặng Huy Huỳnh nói. Theo GS Huỳnh, khi trồng cây mới, trồng loài nào cũng cần xem xét về sức chịu gió, bão của cây. Để giữ những cây to, trước cơn bão, cần có che chắn, đóng những trụ để giữ cây, hoặc hạ bớt tán cây để giảm tác động của gió đối với cây.

 

 
Mời quý độc giả xem video: Cần trồng lại cây bị bão quật ở Hà Nội nhiều nhất có thể. Nguồn: Kiến Thức.

 

Mai Loan