Trong cập nhật chính sách mới đây của mình, YouTube đã mở rộng những gì YouTuber có thể hoặc không thể kiếm tiền trên nền tảng này.
YouTube cho biết hiện họ sẽ cho phép một số ngôn từ tục tĩu như “Sh*t” và “B*tch” xuất hiện trong 30 giây đầu tiên của video. Những từ như "F*ck" và cử chỉ "ngón tay giữa" cũng được cho phép xuất hiện sau 30 giây đầu tiên, nếu chúng đã được kiểm duyệt.
|
YouTube cho biết hiện họ sẽ cho phép một số ngôn từ tục tĩu như “Sh*t” và “B*tch” trong 30 giây đầu tiên của video. (Ảnh: Search Engine Journal) |
Trong khi đó, các từ được YouTube đánh giá là ngôn từ tục tĩu ở mức độ nhẹ như “quái quỷ” và “chết tiệt” cũng được cho phép xuất hiện trong toàn bộ video. Một số chủ đề người lớn trong bối cảnh truyện cười cũng sẽ không bị phạt.
“Dựa trên ý kiến đóng góp của người sáng tạo và nhà quảng cáo, chúng tôi đã cập nhật các nguyên tắc của mình để cho phép nhiều nội dung đủ điều kiện kiếm tiền hơn (biểu tượng màu xanh lá cây) trong khi tiếp tục duy trì các tiêu chuẩn ngành của nhà quảng cáo”, YouTube đề cập trong bản cập nhật được đăng tải trên trang web hỗ trợ của mình.
|
YouTube đang nới lỏng chính sách của mình về nội dung có liên quan đến "chất kích thích".(Ảnh: Pavlo Gonchar/SOPA Images/LightRocket via Getty Images) |
Ngoài ra, YouTube đang nới lỏng chính sách của mình về nội dung có liên quan đến "chất kích thích". Chính sách mới của YouTube cũng nêu rõ rằng, hãng sẽ cho phép các video có “nội dung liên quan đến chất kích thích” có thể hiển thị quảng cáo và kiếm tiền.
“Chúng tôi đang mở rộng khả năng kiếm tiền trên nội dung giáo dục, tài liệu hoặc tin tức có thể bao gồm chất kích thích và nội dung liên quan đến chất kích thích hoặc các sự kiện nhạy cảm. Chúng tôi cũng đang mở rộng tính năng kiếm tiền cho các vấn đề gây tranh cãi, trong đó bao gồm các cuộc thảo luận khách quan về các vấn đề gây tranh cãi", YouTube cho biết.
Theo Variety, đây là động thái cho thấy YouTube đang dần nới lỏng các hạn chế về khả năng kiếm tiền đối với nhà sáng tạo nội dung sau vụ việc năm 2017.
Cụ thể, vào năm 2017, sau khi bị một loạt thương hiệu lớn tẩy chay vì gắn quảng cáo của những thương hiệu này với các video có nội dung xấu độc, YouTube đã bắt đầu "mạnh tay" hủy kiếm tiền từ các video và kênh vi phạm các nguyên tắc thân thiện với nhà quảng cáo.
Cuộc "thanh trừng" này - còn được ví von là "ngày tận thế" - đã khiến không ít YouTuber bị thiệt hại đáng kể về doanh thu quảng cáo.
Một số người cũng cho rằng, YouTube nên đặt cảnh báo “Video này có chứa lời lẽ tục tĩu” như họ đã làm với “Video này không dành cho trẻ em” để người xem có thể tránh.
Vào năm 2019, YouTube cho biết họ có hơn 2 tỷ người dùng đăng nhập hàng tháng trên toàn thế giới, cùng hơn 500 giờ nội dung được tải lên nền tảng này mỗi phút.
Theo Saostar