Chú cá voi mang tên Morgan xuất hiện trong đoạn phim nằm trên bờ hơn 10 phút tại một khu giải trí dưới nước tại Tây Ban Nha. Chú cá voi trước đây từng đập đầu vào cửa sắt trong khi tìm cách thoát thân nhưng bất thành vài tuần trước.
Du khách quay được cảnh tượng này cho rằng chú cá voi sát thủ đang tự tử sau khi kết thúc buổi biểu diễn. Nhiều người ra về nhưng vẫn có du khách nán lại chụp hình, quay phim và đoạn clip gây sốc đã được ghi lại.
Sau khi đập đầu mấy phát vào tấm sắt, chú cá voi nằm im bất động trong khoảng 10 phút. Một độc giả khi xem video đã bình luận: “Tôi cảm giác như chú cá voi đang muốn tự tử vậy. Tôi không trách gì nó”.
Một người khác có tên Seve Jukka thì tỏ ý rất giận dữ và yêu cầu “thả ngay chú cá voi về đại dương, đấy mới là nhà của nó”. Người này cảm thấy xấu hổ vì loài người lợi dụng chú cá để kiếm lời.
|
Chú cá voi Morgan nằm trên bờ hơn 10 phút. |
Tổ chức quyền động vật mang tên “Dự án Cá heo” cũng không giải thích được hành vi kì lạ của chú cá voi.
Một giả thiết có thể được đặt ra là chú cá voi này bị trầm cảm do tiếng ồn. Còn nhớ, cách đây không lâu, một báo cáo mới của Mỹ chỉ ra rằng, “thế giới im lặng” ngày càng ồn ào do những thiết bị định vị bằng sóng âm (sonar) của quân đội, việc vận chuyển bằng đường biển và khai thác dầu khí. Sự ô nhiễm âm thanh này đe dọa sự sống còn của loài cá heo và cá voi.
Những động vật biển có vú này dựa vào thính giác của chúng để sinh sản, tìm thức ăn hoặc chạy trốn loài săn mồi. Nghiên cứu do Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên (NRDC), một tổ chức đặt tại New York, khẳng định rằng: Yếu tố nguy hại đến âm thanh do con người tạo ra để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với những động vật này. Ví dụ như có thể làm thay đổi tập tính, gây mất thính giác dẫn đến cái chết của chúng.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát xác của khoảng một chục con cá voi bị mắc cạn ở vùng Canaries vào năm 2002. Họ đã phát hiện não và tai của chúng bị xuất huyết, còn gan và thận của chúng bị tổn thương.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những bộ định vị bằng sóng âm của quân đội đã làm tổn thương tai của chúng, gây chứng bệnh “khí ép” tương tự như ở những người thợ lặn. Tiếng ồn của thiết bị sonar đã làm loài cá voi sợ hãi và trồi nhanh lên mặt nước hay lặn thật sâu trước khi kịp tống chất ni-tơ khỏi cơ thể, khiến chúng gặp tai nạn này.
NRDC khuyến cáo nên hạn chế những tiếng ồn ở những khu vực đại dương có nhiều cá. Tổ chức này cũng đề nghị các công ty dầu khí nên tránh các nghiên cứu về địa chấn ngoài khơi bờ biển tây châu Phi vào mùa đông là mùa sinh sản của cá voi.
Theo Đất Việt