- Một loài sâu dài cả mét, to bằng bắp tay, màu đỏ như máu và giết người trong nháy mắt. Câu chuyện nghe như viễn tưởng lại là nỗi kinh sợ đối với tất cả những người dân sống trong sa mạc Gobi, mặc dù chưa có bằng chứng nào khẳng định đó là sự thật.
Tử thần trên sa mạc
Người dân địa phương gọi nó là allghoi khorkhoi hay sâu ruột vì trông nó rất giống một đoạn ruột bò màu đỏ như máu, đôi chỗ có điểm những khoang thẫm hơn, có mấu nhô ra ở cả hai đầu.
Dài từ 0,5 đến 1,5 mét, loài sâu này trông rất kỳ dị, đầu và đuôi không thể phân biệt rõ ràng vì chẳng ai thấy mắt, lỗ mũi hay mồm nó ở đâu. Cách di chuyển của nó cũng rất khác thường, vừa lăn tròn vừa bò ngoằn ngoèo rất nhanh.
|
Tranh vẽ mô tả loài sâu tử thần trên sa mạc Gobi |
Allghoi khorkhoi sống trong các đụn cát và chỉ ra ngoài vào thời gian nóng nhất trong năm, tháng Sáu và Bảy, đặc biệt là sau khi trời mưa, mặt đất vẫn còn ẩm ướt.
Đối với những người sống trong sa mạc, nó là một mối đe doạ khủng khiếp. Allghoi khorkhoi có thể phóng ra một chất độc màu vàng tựa như axit, ăn mòn da thịt và giết chết con mồi bằng sốc điện từ cách xa vài mét, dù đó là người hay gia súc lớn như lạc đà.
Những câu chuyện về nạn nhân của allghoi khorkhoi được lưu truyền trong các nhóm người du mục sống trong sa mạc Gobi từ nhiều thế kỷ nhưng chỉ đến năm 1926, thế giới mới biết đến loài sâu kỳ lạ này qua cuốn Theo dấu người cổ đại của giáo sư cổ sinh vật học người Mĩ R. C.Andrews.
Năm 1990, một nhóm nghiên cứu Czech đã đến Gobi để tìm hiểu về allghoi khorkhoi. Mất cả tháng quần thảo khắp các địa điểm nghi ngờ, họ đành ra về tay trắng. Không nản chí, nhóm này còn quay lại 2 lần nữa vào những năm 1992 và 2004 với rất nhiều thiết bị hiện đại và máy bay do thám siêu nhẹ nhưng cũng chẳng thu được kết quả gì. Không một tấm ảnh, không một dấu vết. Tất cả chỉ là những câu chuyện được kể chi tiết và rõ ràng đến mức không thể nghi ngờ của những người dân địa phương.
Một nhóm khác từ Anh, đến Gobi năm 2005 thậm chí còn được dẫn đến một số đụn cát có những hố sâu mà người ta cho là đường vào hang allghoi khorkhoi, nhưng khi đào lên lại chỉ thấy vô số thằn lằn các loại.
Rắn độc, cá điện hay …không gì cả?
Nhiều người tin vào sự tồn tại của loài động vật kỳ lạ trong sa mạc Gobi cho rằng đó có thể là một loại rắn mang bành châu Phi có khả năng phun nọc độc nhưng không cắn. Loài rắn này có thể phun nọc độc trúng mắt con mồi ở khoảng cách 3 mét. Về hình dáng, nó khá giống với những miêu tả về allghoi khorkhoi, một số con cũng có màu đỏ thẫm nên rất có thể người dân địa phương đã nhầm lẫn.
|
Rắn mang bành châu Phi |
Rắn mang bành không có khả năng phóng điện, nhưng sự xuất hiện bất ngờ và bộ dạng đáng sợ của nó có thể khiến con mồi tê liệt vì hoảng sợ trong chốc lát, nên các nhân chứng có thể lầm tưởng rằng con vật có khả năng phóng điện. Hoặc đây cũng có thể là một chi tiết tưởng tượng được thêm thắt vào cho câu chuyện sinh động.
Một số người khác lại cho rằng những miêu tả về allghoi khorkhoi có vẻ gần với cá điện Nam Mĩ hơn. Loài cá này có bề ngoài giống như con lươn, nhưng lớn hơn nhiều. Với hơn 6.000 tế bào sinh điện trên khắp cơ thể, cá điện Nam Mĩ có thể phóng ra dòng điện mạnh tới 500-650 volt, đủ làm tê liệt hoặc giết chết cả những con mồi có kích thước lớn hơn nó nhiều lần.
|
Cá điện Nam Mĩ |
Cá điện Nam Mĩ sống dưới đáy bùn ở các vùng nước tĩnh, nhưng cần nhiều ôxi để thở nên cứ 10 phút lại phải ngoi lên khỏi mặt nước một lần. Người ta cũng đã từng biết đến những động vật cùng họ với cá điện Nam Mĩ nhưng có thể sống được trên cạn. Tuy nhiên, ngay cả những loài này có lẽ cũng khó mà tồn tại được trong điều kiện khí hậu khô nóng trên sa mạc Gobi. Hơn nữa, cá điện Nam Mĩ hoàn toàn không có nọc độc.
Giống như quái vật hồ Loch Ness, sâu allghoi khorkhoi cũng bị nhiều người xem là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng vì có quá nhiều nhân chứng khẳng định đã nhìn thấy nó và miêu tả của họ giống nhau đến từng chi tiết nên cũng không thể loại bỏ hoàn toàn giả thuyết về sự tồn tại của một loài động vật bí ẩn, chưa từng được biết đến.
C.Q (Theo Paranormal)