Có nên ăn thịt động vật quái thai?

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia, hiện tượng quái thai trong chăn nuôi đang tăng lên ở mức đáng lo ngại. Nguyên nhân từ đâu và có nên ăn thịt động vật quái thai?

Lợn đẻ ra "voi" ngày càng nhiều
Mới đây, người dân Vũng Tàu xôn xao, kéo nhau đến gia đình chị Cao Thị Búp (ngụ thôn Sông Xoài 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) để xem lợn đẻ ra "voi". Người dân gọi là voi bởi hình thù lợn nhưng không phải là lợn. Thay vào đó, lợn lại có phần đầu vòi dài, mõm nhỏ, đuôi dài, một mắt to nằm chính giữa phần mõm và trán. Hai tai to bè tương tự như tai voi còn phần chân và thân vẫn là của lợn. 
Theo ghi nhận, hiện tượng lợn đẻ ra "voi" không phải là mới. Bởi trước đó, có rất nhiều địa phương ở nước ta cũng đã xảy ra hiện tượng tương tự. Như gia đình anh Đinh Xuân Lâm (Tam Quang, Tương Dương, Nghệ An), anh Nguyễn Thọ Hiếu (Yên Thành, Nghệ An), chị Hoàng Thị Hiền (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), nhà bà Nguyễn Thị Hòa (quận 9, TPHCM)... 
Không những thế, còn có nhiều trường hợp quái thai trong chăn nuôi khác cũng khiến người dân lo lắng không kém như bê có năm chân, bò sáu chân, bê hai mặt, chó ba chân, gà bốn chân... 
Theo chị Nguyễn Thị Hòa (Nghệ An), khi nhận được những thông tin về tình trạng quái thai trong chăn nuôi khiến chị rất lo lắng. Bởi hằng ngày, thịt gia cầm vẫn được mọi người chế biến làm thức ăn. Liệu có tác động nào từ thức ăn này đến sức khoẻ người dân hay không? 
Co nen an thit dong vat quai thai?
 Ảnh minh họa.
Nguyên nhân do thức ăn và môi trường
Theo PGS.TS Bùi Hữu Đoàn, Phó trưởng khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, hiện tượng quái thai trong chăn nuôi đang tăng lên đáng lo ngại. Gọi là quái thai nhưng thực chất đây là hiện tượng thai bất thường, dị tật trong chăn nuôi. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể do môi trường, thức ăn... Như môi trường khu vực nuôi có nhiều chất độc, nhiệt độ không ổn định tác động đến phôi thai hoặc chất độc đã có sẵn trong cơ thể con mẹ. 
"Hiện đã có những phát hiện cho thấy thức ăn và môi trường có chứa những chất độc chưa được kiểm soát, đây là một trong những nguyên nhân gây nên quái thai. Ví dụ như hàm lượng kim loại nặng cao, các hóa chất hay chất tăng trọng không được phép... Ngoài ra, môi trường như nhiệt độ, độ ẩm cũng có những tác động đến quá trình này", PGS.TS Bùi Hữu Đoàn phân tích thêm. 
Cũng theo vị chuyên gia này, dị tật chăn nuôi đã cao nhưng đối với gia cầm chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Lý do chính là phôi thai gia cầm phát triển ngoài cơ thể mẹ, trong quá trình ấp. Còn ở động vật có vú như lợn, bò, bê... thuộc động vật bậc cao, khi thụ thai có nhau thai nên ảnh hưởng ít hơn. Bởi nhau thai như một bộ phận lọc, thải chất độc. 
"Ở động vật có vú, quá trình phát triển phôi thai được "lập trình và kiểm soát" vô cùng chặt chẽ, quan trọng hơn là rất ổn định trước các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng do mẹ cung cấp... Nói chung đây là quá trình rất 'khoa học" và chặt chẽ, nên tỷ lệ dị thường thấp. Trong khi đó ở gia cầm, quá trình này hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật ấp: chất lượng máy ấp, trình độ của người ấp, điện... nên không thể ổn định và khó kiểm soát, hậu quả là tỷ lệ dị hình cao hơn. Rất nhiều gà, vịt sau khi ấp bị dị tật như không thể nở, không có hoặc có một bên cánh hay nhiều chân...".
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình huống này thì người dân không nên sử dụng những sản phẩm phôi dị hình - đó là nguyên tắc sinh học, chú ý quá trình ấp trứng, quan tâm đến thức ăn và môi trường chăn nuôi. 
Đối với các trường hợp dị tật, vì chưa xác định rõ nguyên nhân do biến đổi gen, thức ăn chứa độc... thì về mặt dinh dưỡng người dân không nên ăn. 
Một vị chuyên gia thuộc Viện Chăn nuôi đã từng cho phóng viên biết, các hiện tượng trên là do đột biến gen di truyền ngẫu nhiên, diễn ra trong quá trình trao đổi các đoạn nhiễm sắc thể giữa con đực và con cái có sai sót. Tỷ lệ được xác định lên đến một phần triệu. Đột biến do tác nhân ngoại cảnh như nhiễm độc dẫn đến gia cầm sinh ra có hiện tượng quái thai, thiếu một số bộ phận, thai không thể sinh ra, sinh non, sinh ra đã chết. Đây là vấn đề khoa học, không bị tác động bởi các yếu tố tâm linh. 
Hiền Dung