Theo đoạn video được quay ở Nhật Bản này, sau khi được thả vào nước ấm, con cá đông lạnh đang trong tình trạng bất động tan băng và nằm yên vài giây trong nước. Sau đó, nó đột ngột quẫy đạp trở lại.
Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là sản phẩm dàn dựng, tuy nhiên, theo Dailymail, đây là một biện pháp bảo quản cá tươi thường thấy ở Nhật Bản. Theo đó, con cá sẽ được làm lạnh ở một mức nhiệt độ nhất định để làm chậm nhịp tuần hoàn, nhưng không đủ để giết chết nó.
Phương pháp này thường được áp dụng để giữ cho thịt cá tươi và mềm khi chế biến các món như sashimi (món gỏi cá sống nổi tiếng ở Nhật Bản).
|
Con cá tan băng và quẫy đạp mạnh ngay sau khi được "rã đông" |
Thực hư đoạn video "cá đông lạnh hồi sinh" như thế nào vẫn chưa được làm rõ nhưng công nghệ bảo quản thực phẩm của Nhật Bản đã nổi tiếng trên thế giới, trong đó có công nghệ CAS (Cells Alive System) - công nghệ bảo quản thực phẩm đông lạnh hiện đại, mà theo quảng cáo "nếm thử một con hào đông lạnh bằng CAS, dường như nó vừa được bắt lên còn nguyên hương vị biển".
Được ghi nhận là công nghệ làm lạnh tiên tiến, CAS có khả năng giữ cho màng và cấu trúc mỏng manh của tế bào các sản phẩm gần như nguyên vẹn trong thời gian dài (có thể kéo dài 10 năm, tùy theo mục đích bảo quản) cho nên sau khi rã đông, sản phẩm vẫn giữ được độ tươi ngon như mới thu hoạch. Vì vậy công nghệ CAS tạo ra các dòng sản phẩm ‘đông lạnh tươi’.
CAS khắc phục được hầu hết những nhược điểm của các phương pháp bảo quản thông dụng khác, ví dụ như sự biến tính sản phẩm ở phương pháp cấp đông, thời gian bảo quản ngắn ở phương pháp chiếu xạ, lượng chất bảo quản tồn dư trên sản phẩm, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng như với phương pháp dùng hóa chất.
Công nghệ CAS thuộc về Tập đoàn ABI của Nhật Bản và đã được nước này chuyển giao cho hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhằm bảo quản thủy sản, nông sản, thực phẩm.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2013, CAS được kỳ vọng là một trong những phương pháp bảo quản sau thu hoạch góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, hải sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ CAS tại Việt Nam lại vấp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn đầu tư.
Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH&CN), đơn vị tiếp nhận công nghệ, đồng thời là đầu mối chuyển giao CAS cho các nhà sản xuất trong nước có nhu cầu, cách đây vài năm đã thử nghiệm thành công công nghệ CAS đối với một số sản phẩm như quả vải, nhãn, cá ngừ và tôm.
Năm 2014, chuyến tàu đầu tiên chở 10 tấn vải thiều Bắc Giang được đông lạnh CAS đã cập bến Nhật Bản và được bán với mức giá 350 đến 400.000 đồng/kg.
Được biết, hệ thống máy CAS trang bị tại Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng có giá khoảng 20 tỷ đồng, chỉ bảo quản được 100kg mỗi giờ, một ngày bảo quản được 1 tấn. Doanh nghiệp muốn làm ít nhất phải đầu tư máy có công suất 1 tấn/giờ, giá khoảng 40 tỷ đồng, chưa kể phải đầu tư nhà xưởng và các thứ khác.
Bởi chi phí đắt đỏ nên không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để có được công nghệ bảo quản tiên tiến này.
Theo Minh Thái/Đất Việt