Khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan Sài Gòn, đặc biệt khu vực trung tâm quận 1, chợ Bến Thành (TP. HCM) sẽ dễ dàng bắt gặp một cụ bà tóc bạc phơ nói được 4 ngoại ngữ, ngồi bán nước ngay góc đường Phạm Ngũ Lão – Trần Hưng Đạo. Hình ảnh, cụ bà gây ấn tượng với du khách hơn bởi sự thân thiện, tình cảm và lối nói chuyện hài hước bằng cách pha lẫn giữa các loại ngoại ngữ và tiếng Việt lơ lớ.
|
Niềm vui của cụ bà là được bán nước mỗi ngày cho khuây khỏa. |
Ghé quán nước của cụ ngồi nghỉ chân giữ trưa nắng. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện thân mật với cụ bà. Cụ cho biết, tên Trần Thị Định (SN 1928), quê Tiền Giang, hiện cụ sống cùng con trai ở quận 4.
Được biết, cụ bán hàng nước trên vỉ hè khoảng 37 năm nay. Với cụ, quầy nước không chỉ là nơi mưu sinh của gia đình nhiều năm qua. Nơi đây, còn lưu giữ với cụ những kỷ niệm đẹp về cuộc đời, sự thay đổi cuộc sống của người Sài Gòn, trong đó có những người thân gia đình cụ.
Cụ Định trầm ngâm: “Thời gian làm thay đổi xã hội quá nhanh. Trước giải phóng (năm 1975), chợ Bến Thành chỉ là một bãi đất rộng của ga Sài Gòn, nhưng hiện tại đã là một công viên cây xanh hiện đại, những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm. Đôi lúc nhìn cảnh vật, phố phường khiến lòng tôi mênh mang cảm xúc nhớ về quá khứ ngày xưa mà thấy bồn chồn lắm…”.
Cụ kể, ngày xưa cụ từ dưới quê lên Sài Gòn làm thuê bằng nghề giúp việc cho các bà Đầm (vợ các ông Tây thời chế độ cũ). Nhờ đó, bà quen chồng mình rồi hai vợ chồng lập nghiệp ở mảnh đất Sài thành xưa. Nhờ việc bà học lỏm được nhiều ngoại ngữ khi đi giúp việc cho người Tây mà tạo cơ hội ngày nay cho con cái mình thành người gốc Sài Gòn và có cuộc sống văn minh như bây giờ.
Theo đó, khi lấy chồng sinh con, cụ Định vẫn làm việc cho các phu nhân quan Tây, nên gia đình vẫn có mức thu nhập kha khá. Cụ nhớ lại : “Hồi đó, mấy bà về Mỹ, nói tôi qua đó ở giúp việc cho các bà, rồi cho chồng tôi lái xe cho mấy ông Tây, cứ hai năm về Sài Gòn một lần. Tuy được ưu ái vậy nhưng vợ chồng tôi không chịu vì đơn giản nghĩ rằng, không đâu bằng quê hương xứ sở mình…”.
Với thời gian dài bán quán nước ở chính trung tâm Sài Gòn – một vị trí đắc địa tập trung đông du khách ngoại được như hiện nay chính là nhờ khả năng nói ngoại ngữ của cụ Định. Hiện tại, cụ có thể nói được các loại tiếng như: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Campuchia và tiếng mẹ đẻ. Hầu hết, các khách du lịch ghé qua quán nước của cụ vì quán vỉa hè thoáng mát, và sự thân thiện của cụ bà.
Cụ bán nước không hẳn để kiếm thêm đồng thu nhập, mà cụ cho đó là một thú vui. Có nhiều khách đến mua chai nước giải khát, họ còn hỏi thăm cụ những địa điểm du lịch ở Sài Gòn. Hỏi cụ về những thay đổi của Sài Gòn xưa và nay…. Tất cả đều được cụ chỉ dẫn, kể tường tận từng câu chuyện mà cụ biết, khiến khách rất vui lòng.
Đang trò chuyện với chúng tôi, có vị khách Tây ghé hỏi mua chai nước suối xong rồi hỏi hướng đi chợ. Không ngần ngại, cụ chỉ tay về hướng trước mặt, nói vanh vách “Ben Thanh market over there” – (Chợ Bến Thành ở đằng kia). Vị khách đi rồi, cụ lại tiếp tục nói: “Ở đây, khách mua nước uống cũng một phần nào, nhưng người ta còn hỏi đường xá, sân bay, quán ăn, nhà hàng đa phần … Qua đó, tôi cũng phải học thêm từ vựng ngoại ngữ để mà giúp đỡ người ta nữa”.
“Giờ tui già rồi nên có những từ không được nhớ lắm, nhưng ngày xưa tui nói cũng "dữ" lắm à”, cụ cười vui cho biết. Nói rồi, cụ Định bắt đầu vận dụng trí nhớ và vừa nói vừa phiên dịch. Khách ngồi uống nước nghe bà nói chuyện, có từ hiểu từ không, nhưng đều cảm thấy thú vị.
|
Cụ luôn lau chùi sạch sẽ, cẩn thận từng chiếc ly cho khách uống nước. |
Mặc dù, cụ Định nói mình còn khỏe nhưng các con lại thấy cụ già rồi nên khuyên mẹ ở nhà nghỉ ngơi, an nhàn. Thế nhưng, cụ nhất quyết nói: “Mẹ giờ già thật rồi, chẳng sống được bao lâu nữa, nhưng ở nhà không làm gì sẽ sinh bệnh. Các con cho mẹ ra bán để mẹ vận động cho khỏe”.
Nhìn vẻ ngoài cụ Định với dáng lưng còng, tóc bạc nhưng những ai đã gặp cụ rồi lại khó quên. Cụ để lại trong lòng du khách với giọng nói ngọt ngào, mền mỏng đậm chất Nam bộ, bàn tay thoăn thoắt trong từng cử chỉ mời khách, lấy đồ uống. Lâu lâu cụ lại nói dăm câu ngoại ngữ vừa lạ vừa quen… Cụ cho biết, rất tự hào vì là thế hệ trước mà vẫn sống tốt giữa một xã hội hiện đại văn minh nhờ vốn ngoại ngữ học lỏm thời trẻ. Dù có những từ cụ phát âm chưa chuẩn song vốn kiến thức và từ ngữ dùng giao tiếp hàng ngày có sẵn đủ để giúp bà trò chuyện xã giao với du khách.
Nói về gia đình, cụ Định tâm sự, tới nay cụ ông đã mất khoảng 6 năm. Còn mình cụ sống với ba người con (hai trai một gái). Tất cả các con cụ đều đã trưởng thành và có gia đình riêng với cuộc sống tốt ngay tại Sài Gòn. Cháu nội, cháu ngọai cụ còn có người vừa tốt nghiệp tiến sĩ…
Hàng ngày, buổi sáng anh con trai út chở cụ tới dọn hàng ra bán. Còn chiều 5h thì người con trai lớn tan giờ làm, ghé đón cụ về. Tối đến, cụ lại quây quần bên con cháu trò chuyện về những gì diễn ra trong ngày, mà câu chuyện vẫn là những vị khách Tây nói tiếng Việt lơ lớ, buộc cụ phiên dịch tiếng Anh. Hay những gì nói pha chữ la tinh – tiếng Anh mà cụ học lỏm được từ một vị khách mới nào đó.
Theo Người Đưa Tin