Cua "Người Tuyết" mù đầy lông lá dưới đáy đại dương

Google News

Một loài cua mới lông lá đầy mình như "Người Tuyết" vừa được tìm ra tại vùng khắc nghiệt nhất dưới đáy đại dương.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Southampton vừa phát hiện một loài cua lông lá đầy mình sống rất sâu dưới đáy đại dương.
Chúng có tên khoa học là Kiwa tyleri, thuộc nhóm Kiwaidae và được các nhà nghiên cứu gọi với tên cua "Người Tuyết" mù vì vẻ ngoài lông lá cũng như không hề có mắt.
Cua
 
Khi mới nhìn qua sinh vật kỳ lạ này, trông chúng có vẻ như được bao phủ bởi một lớp lông mềm như các loài nhện. Song thực tế, bộ lông của sinh vật này hoàn toàn là lông cứng.
Chúng có chiều ngang khoảng 4,5 cm, dài 4 cm và đặc biệt hơn, cua cái có kích cỡ gấp rưỡi con đực. Loài cua này sống tập trung thành các quần thể với mật độ rất dày, lên tới trên 700 cá thể trên 1m vuông, thậm chí ở một số nơi còn lên tới 4.017 cá thể trên 1m vuông.
Trên tạp chí PLoS ONE, các chuyên gia mô tả: cua "Người Tuyết" mù sống thành quần thể dày đặc trong các miệng lỗ phun thủy nhiệt East Scotia Ridge.
Cua
 
Môi trường sống này cũng rất khắc nghiệt, khi nước phun ra tại các lỗ thủy nhiệt, nhiệt độ có thể lên tới 380 độ C, rồi sau đó lập tức giảm xuống còn khoảng 25 độ C, xung quanh thì nhiệt độ vùng cực luôn dưới 0 độ C.
Điều kiện khắc nghiệt như vậy khiến cho gần như không có loài sinh vật nào khác sống được ở đây ngoài các loài vi khuẩn. Chính vì vậy cua "Người Tuyết" đã phát triển một khả năng vô cùng thú vị đó là mở “trang trại chăn nuôi” ngay trên cơ thể mình.
Các lông cứng của chúng trở thành chỗ bám lý tưởng cho các loài vi khuẩn, việc quần tụ ở mật độ cao cũng khiến cho việc “thu thập” vi khuẩn trở nên dễ dàng hơn. Ngoài việc tự “chăn nuôi”, cua "Người Tuyết" mù cũng di chuyển lên mặt ống thủy nhiệt để ăn các vi khuẩn phát triển ở đây.
Cua
 East Scotia Ridge - nơi sinh sống của cua "Người Tuyết"
Cua "Người Tuyết" không có mắt nên dành trọn đời mình để sống trong môi trường nước ấm của các lỗ thủy nhiệt. Tuy nhiên ấu trùng của chúng lại không thể phát triển được trong vùng nước này.
Tới mùa sinh sản, các con cái sẽ di chuyển ra khỏi lỗ thủy nhiệt để mang ấu trùng vào vùng biển băng giá xung quanh. Những ấu trùng này theo cách nào đó lại tìm về được với vùng nước ấm khi chúng trưởng thành.
Theo Trí Thức Trẻ