Đi tìm di sản các nhà khoa học

Google News

(Kiến Thức) - Thật đáng tiếc là nhiều di sản của các nhà khoa học nay không còn nữa do bị mối xông, chuột, gián cắn thậm chí bị chính nhà khoa học đốt đi...

Hiện vật kể chuyện
Chúng tôi đến Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam đúng vào ngày trung tâm tiếp nhận bộ sưu tập tư liệu hiện vật của cố GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển, nhà địa chất hàng đầu của ngành địa chất Việt Nam. Khác với suy nghĩ của chúng tôi về một bộ sưu tập toàn chỉ có sách vở ghi lại những công trình nghiên cứu khoa học, thực tế bộ sưu tập tư liệu của cố GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển có tới 2.500 tư liệu gồm cả sổ ghi chép, nhật ký địa chất, bản thảo công trình nghiên cứu, bài viết, ảnh tư liệu, hiện vật khối được lưu giữ từ năm 1945 đến nay.
 
Dẫn chúng tôi đi xem 5 kho bảo quản lưu trữ rộng khoảng 500m2, ThS Trần Bích Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện nơi đây đang lưu giữ gần 10 vạn đầu tư liệu, hiện vật. Các tư liệu, hiện vật này khá đa dạng gồm sổ ghi chép, nhật ký, bản thảo khoa học đến cả những vật dụng hằng ngày gắn liền với cuộc đời của các nhà khoa học từ chiếc xe đạp, máy đánh chữ, kính hiển vi cho đến chiếc màn đã rách lỗ chỗ, bộ quần áo bộ đội đã bạc màu, chiếc bát, ca uống nước... Tại kho lưu giữ hiện vật khối, chúng tôi bắt gặp chiếc xe đạp của PGS.TS Thái Quý, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư sử dụng để đi vận động hiến máu nhân đạo những năm 1979 - 1980, hay chiếc cốc uống nước đã ngả màu và sứt sẹo của GS Đoàn Trọng Truyến, một trong những nhà kinh tế hàng đầu của nước ta trong những thập niên 60 - 70... Tại kho tài liệu giấy, chúng tôi được thấy quyển sổ nhật ký của cố GS Tôn Thất Tùng, một quyển sách đã ngả màu thời gian; một trong những tấm phim X-quang theo dõi bệnh nhân lâu năm của GS.TSKH.NGND Nguyễn Văn Nhân; hay bản vẽ bệnh viện dã chiến 211 ở Tây Nguyên (1966 – 1973) của GS.BS Lê Cao Đài...
 
Chỉ tay vào những đồ đạc đã được đánh số và bày ngay ngắn trên khung giá, ThS Trần Bích Hạnh cho biết, để có được ngần ấy tư liệu là rất nhiều mồ hôi và công sức. Nhiều người nghĩ đơn giản sưu tầm chỉ là việc đi gõ cửa rồi xin tư liệu mang về. Thực tế, ở đây, ngoài việc sưu tầm còn là nghiên cứu. Mỗi một hiện vật phải có “một đời sống” riêng của nó. Các hiện vật được sưu tầm về phải kể được những câu chuyện nào đó gắn với cuộc đời của nhà khoa học. Muốn làm được điều đó thì nghiên cứu viên phải tìm hiểu một cách chi tiết. Chẳng hạn, khi nhìn thấy cuốn sổ ghi chép, họ phải tìm hiểu cặn kẽ các thông tin như cuốn sổ này được ghi trong giai đoạn nào, bối cảnh các sự kiện ghi trong cuốn sổ như thế nào, những nhân vật có mặt trong cuốn sổ là ai... Trong nhiều trường hợp, nhất là đối với các nhà khoa học đã mất, nhiều hiện vật gia đình và người thân cũng không hiểu được hết, lúc đó lại phải cầu cứu đến bạn bè, đồng nghiệp của các nhà khoa học ấy.
Dựng lại một thời đã qua
ThS Trần Bích Hạnh kể một trong những kỷ niệm đáng nhớ với chị là khoảng thời gian làm chuyên đề Liên Xô 1951 (nhóm chuyên viên của Việt Nam lần đầu tiên được chính Bác Hồ cử sang học tập tại Liên Xô năm 1951 - LX 51). Trong suốt 1 năm liền, đều đặn mỗi tuần một ngày, chị đến gặp PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, nguyên Hiệu phó Học viện Kỹ thuật Quân sự, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), một trong 2 người trong đoàn LX 51 còn sống đến bây giờ. “Lần nào đến bác cũng bắt tay tôi, bàn tay của bác rất lạnh. Bác đùa, bàn tay lạnh nhưng trái tim cho khoa học thì luôn ấm”. Và sau cái bắt tay ấy là những tâm sự về một thời vàng son trong quá khứ để từ đó, qua những câu chuyện, những tư liệu, PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu đã giúp chúng ta có được cái nhìn toàn diện về nhóm 21 người năm đó, những hạt giống đầu tiên để sau này người tiếp người, lớp tiếp lớp và trong số họ nhiều người đã trở thành những cây đại thụ trong các lĩnh vực khác nhau xây dựng và phát triển nền KHCN nước nhà.
 
Anh Bùi Minh Hào, một trong những cán bộ nghiên cứu sưu tầm lâu năm của trung tâm thì kể cho chúng tôi nghe về những ngày làm việc với PGS.BS Lê Văn Tiến, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Đó là những ngày đặc biệt với anh, bởi anh đã có dịp cùng PGS.BS Lê Văn Tiến quay về quá khứ làm sống lại những ngày học tập, phục vụ kháng chiến cũng như việc xây dựng và phát triển ngành phẫu thuật thần kinh ở Bệnh viện 108; về việc ông đi làm thực tập sinh ở Bungari (1975 - 1978) và đưa về nước chiếc máy đốt điện lưỡng cực đầu tiên để sử dụng trong phẫu thuật. Những câu chuyện, hiện vật của PGS.TS Lê Văn Tiến không chỉ là câu chuyện về cuộc đời của một cá nhân, mà thông qua đó phản ánh được phần nào cuộc sống của các nhà khoa học trong những năm đất nước sau giải phóng.
Cứu kho di sản
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của trung tâm cho biết, đến thời điểm này không thể kể hết tên các nhà khoa học vì số nhà khoa học đã được trung tâm nghiên cứu, tư liệu hóa hồ sơ đã lên tới gần 400 người. Mỗi người đều để lại những ấn tượng rất sâu sắc.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, trung tâm có lưu trữ khoảng 1.000 tư liệu hiện vật của GS.TSKH Lê Đình Quang, Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn & Môi trường. Sau ngày ông mất, vào một buổi sáng, phu nhân của ông bất ngờ đến trung tâm. Bà chỉ lẳng lặng đi xem toàn bộ khu lưu trữ. Khi ra về, bà mới tâm sự, bà không yên tâm và muốn đến đây để xem những tư liệu, hiện vật gắn với cuộc đời của chồng mình được lưu trữ, bảo quản thế nào. Xem rồi thì bà thấy yên tâm.
Hay như câu chuyện của GS Ngô Văn Bưu, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Địa vật lý, Khoa Địa chất, Trường Đại học Mỏ địa chất sau khi đã gửi gắm tư liệu ở trung tâm, có ngày ông dẫn cả gia đình gồm nhiều thế hệ đến đây với mục đích cho con cháu nhìn thấy cuộc sống của thế hệ đi trước. Thậm chí ông còn cho các cháu mình xem bảng điểm của mình ngày xưa như một lời nhắn gửi, tuổi trẻ hãy cố gắng...
 

“Khi trung tâm được thành lập, cũng có nhiều ý kiến trái chiều, nghi ngờ. Để xã hội tin tưởng chúng tôi không phải dễ, dành được niềm tin của nhà khoa học, của xã hội là vô cùng khó khăn, nhất là trong nền kinh tế thị trường sôi động, hỗn độn, khi cái giả nhiều hơn cái thực. Nhưng những gì chúng tôi đã và đang làm được đã phần nào chiếm được sự tin tưởng của các nhà khoa học. Đấy là sự khích lệ”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy tâm sự: “Mỗi hồ sơ của các nhà khoa học được đưa về trung tâm là chúng ta đã cứu được một phần di sản cho khoa học, bởi thực tế rất nhiều di sản của các nhà khoa học không còn nữa, do bị mối xông, chuột, gián cắn hay bị bán đi làm giấy vụn, thậm chí bị chính các nhà khoa học đốt đi vì nghĩ là chúng không cần thiết”.
Chú ý lưu trữ cá nhân
ThS Trần Bích Hạnh cho biết, khi đi sưu tầm, chị thấy tiếc vì có nhiều nhà khoa học chưa ý thức được việc lưu trữ tư liệu cá nhân. Có những trường hợp khi đến nơi thì được con, cháu của nhà khoa học kể là vừa mới gọi bà đồng nát vào bán cả tấn giấy cũ mà cha/ông mình để lại.
Các cán bộ của trung tâm cho biết, trong một số trường hợp, trung tâm đã tiến hành hỗ trợ một số nhà khoa học cách thức lưu trữ tư liệu tại gia (giúp sắp xếp, phân loại và bảo quản tại chỗ toàn bộ khối tài liệu, hiện vật này). Trung tâm cũng tự xác định đây là trách nhiệm giúp cộng đồng các nhà khoa học bảo quản tại gia các di sản của mình.
Việc thúc đẩy lưu trữ cá nhân, thực hiện sắp xếp, phân loại tài liệu hiện vật tại nhà của các nhà khoa học là một hoạt động mới, tự nguyện của trung tâm. Công việc này không những giúp trung tâm kiểm kê, bảo tồn di sản tại chỗ hay có thêm những tư liệu quý báu mà còn giúp gia đình của mỗi nhà khoa học biết cách bảo quản và gìn giữ được “những đứa con tinh thần” của mình.
Anh Đức