Những cảnh báo về mức độ độc hại của rác thải điện thoại di động được đưa ra trong một nghiên cứu khoa học của TS Lê Hùng Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP HCM.
Thải bỏ vô tội vạ
TS Lê Hùng Anh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, nghiên cứu được thực hiện trong năm 2012 và 2014, mỗi lần phát 1.000 phiếu điều tra tại siêu thị, chợ, ga hàng không, trường học ở TP HCM. Độ tuổi của đối tượng phỏng vấn từ 15 trở lên.
Kết quả cho thấy, có tới 62% người sử dụng 1 điện thoại di động (ĐTDĐ), 29% số người sử dụng 2 ĐTDĐ, chỉ 4% không dùng ĐTDĐ. Xu hướng người tiêu dùng sử dụng smartphone tăng từ 5,0% (2012) lên 29,0% (2014). Thời gian sử dụng mỗi ĐTDĐ của người tiêu dùng chủ yếu là 1 - 2 năm, chiếm tới 81%. Sử dụng ĐTDĐ trên 3 năm có 19%.
Người dùng có xu hướng rút ngắn thời gian sử dụng để đổi sang các dòng máy mới có nhiều công dụng và mẫu mã đẹp. Nhu cầu sử dụng dòng điện thoại smartphone ngày càng tăng, việc thải bỏ là đương nhiên. Nhưng loại rác thải chứa nhiều thành phần độc hại này đang bị thả nổi ngoài môi trường.
Tại cửa hàng bán lẻ, sửa chữa điện thoại Minh Huy trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP HCM, chủ cửa hàng cho biết: Các bộ phận chính của một ĐTDĐ bao gồm mạch điện tử, màn hình, pin, vỏ, loa, ốc vít các loại... Một số bộ phận còn khả năng tái sử dụng cao như ốc vít, khung giữ màn hình, bàn phím, vỏ điện thoại và pin. Các bộ phận không tái sử dụng được sẽ được bán cho ve chai. Thường thì pin điện thoại có tỷ lệ hư hỏng cao nhất, tiếp theo là màn hình và bộ sạc.
|
Rác thải ĐTDĐ tại các cửa hàng sửa chữa ĐTDĐ. |
Chứa nhiều thành phần độc hại
Khảo sát 100 cửa hàng bán điện thoại di động và phân tích một số mẫu ĐTDĐ điển hình tại phòng thí nghiệm chất thải rắn cho thấy, nhóm bộ phận còn lại như pin, bo mạch điện tử, màn hình cảm ứng chứa hàm lượng cao các kim loại nặng và kim loại đất hiếm. Pin đời cũ chứa nhiều cadimi, chì và thủy ngân, pin thế hệ mới chứa nhiều lithium.
Bản mạch điện tử chứa nhiều đồng, sắt, nickel, kẽm và với lượng nhỏ hơn nhôm, vàng, bạc, mangan, galliumarsenid, palladium và tantal. Màn hình chứa nhiều thủy ngân. Trong khi đó, công nghệ xử lý và tái chế đạt tiêu chuẩn môi trường các bộ phận phức tạp này đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn, chưa phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam.
TS Lê Hùng Anh cho rằng, trong màn hình cảm ứng có nhiều đất hiếm, thải ra môi trường khó phân hủy. Nó nhiễm vào đất, nước, con người ăn uống dễ sinh bệnh. Rác thải này được tái chế một cách tự phát tại một số khu vực mà người dân tách lấy vàng trong điện thoại, nhưng lại sử dụng hóa chất rất độc hại. Sau khi lấy một ít vàng, các bộ phận khác đã hư hỏng đều bị thải ra môi trường, ô nhiễm nặng hơn. Các phương pháp nấu pin thủ công gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại nhiều hơn lợi thu được.
Theo ông Nguyễn Như Dũng, Trưởng phòng Môi trường và Chất thải rắn, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới & Bảo vệ Môi trường, chúng ta chưa kiểm soát được được nguồn rác thải từ thiết bị này, việc thải bỏ còn tùy tiện. Các nước tiên tiến đều yêu cầu nhà sản xuất, nhà phân phối thu mua điện thoại cũ để phục hồi, tái chế, nhưng ở Việt Nam phần lớn còn bỏ ngỏ. Pin là vật gây nguy hại nhất vì chứa nhiều thành phần kim loại nặng, khi vứt ra ngoài môi trường có thể gây hại cho các hệ thủy sinh, qua các chuỗi thực phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Theo các chuyên gia, nên áp dụng luật về nghĩa vụ thu hồi tái chế cho các nhà sản xuất và thương mại ĐTDĐ, phát triển các hệ thống thu hồi và tái chế chính thống. Cần thành lập các cơ sở tái chế với công nghệ cao nhằm thu hồi triệt để các kim loại quý và đất hiếm có trong ĐTDĐ. Ngoài ra, cần có chương trình giáo dục cộng đồng và ghi trên bao bì sản phẩm về tính nguy hại của chất thải điện tử cùng với khuyến cáo thải bỏ qua hệ thống tái chế.
Theo thống kê của Cellular News (2013), trong năm 2013 số lượng ĐTDĐ được sử dụng tại Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới với hơn 72 triệu ĐTDĐ, tương đương 70 ĐTDĐ trên 100 người dân. Tuy nhiên, trong số hơn 90% người dân dùng ĐTDĐ nhưng chỉ có 16% số người biết đến tác hại rác thải của nó, tác hại cụ thể thế nào thì hầu như không ai biết.
(Nguồn: Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý môi trường)
Quỳnh Hương