Nguy hiểm nhất là các trường hợp rắn đi theo cặp. Tức là, con cái dính câu còn con đực nằm ngoài chờ đến khi nào mình tới là nó cắn liền.
Chạm mặt tử thần
Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được anh T.V. L ở Kiên Giang, là một thợ săn rắn nổi tiếng khắp các tỉnh ĐBSCL.
Anh L cho biết: “Trước đây, tôi làm nghề bán vôi, cuộc sống không dư giả gì, tình cờ gặp một người anh làm nghề cắm câu rắn nên xin đi theo học nghề. Lúc đầu, cũng sợ nhưng sau một bữa nhậu thì đã bạo gan làm liều”.
|
Theo anh L, muốn làm nghề này phải bỏ ra 2 tháng học nghề. Trong thời gian đó, L được chỉ dạy cả về thuốc cắm câu, các loại thảo dược và những tình huống gặp phải trong công việc. |
Nguy hiểm nhất là các trường hợp rắn đi theo cặp. Tức là, con cái dính câu còn con đực nằm ngoài chờ đến khi nào mình tới là nó cắn liền. Dụng cụ hành nghề bao gồm cần câu, mồi và thuốc.
Cần câu rắn được làm bằng những nhánh tre già, dây ni lông loại to và lưỡi câu. Mồi là những con chuột lứa. Trong lúc đi cắm thì mang theo lọ thuốc gia truyền đề phòng bất trắc.
Thời điểm săn bắt rắn diễn ra quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa khô, rắn thường ra các bờ cao, bụi rậm phơi mình và đi ăn nên dễ dàng mắc câu.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bắt các loài rắn, anh L chia sẻ: “Để cắm câu, người làm nghề phải phán đoán được nơi rắn ở, thường thả câu trên hướng gió để rắn phát hiện mùi và lại ăn. Địa điểm phải rậm rạp, vắng vẻ do rắn chỉ ở nơi yên tĩnh. Tốt nhất là nơi có rắn lột da”.
Mồi cắm câu rắn hổ là chuột trộn với thuốc bắc. Thời điểm cắm câu thường bắt đầu vào sáng sớm. Việc cắm câu rắn phải lội đồng xa hàng chục cây số mỗi ngày và phải đối mặt với nhiều hiểm nguy.
|
L bộc bạch: “Muốn có thu nhập đều đặn từ nghề này phải chạy đồng khắp nơi, từ Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang đến Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và mỗi ngày phải lội bộ hàng chục cây số. Vì thế, ngoài bắt được rắn hổ đất còn có thêm các loại hổ hành, hổ lãi, hổ hèo, rắn lục...”. |
Săn bắt rắn là nghề rủi ro cao, bởi chỉ sơ suất hay chậm vài giây cũng đều nguy hiểm đến tính mạng. Làm nghề này ít nhiều cũng bị rắn chạm (cắn).
Anh L ngán ngẩm kể: “Khi mới bắt đầu vào nghề tôi đã gặp nạn. Bữa đầu tiên đi cắm câu và kiếm được hơn 5 triệu đồng, đến ngày hôm sau đã bị rắn chạm, phải nặn bớt máu độc, sau đó lấy thuốc mang theo đắp vào vết cắn”.
Cần câu rắn thường được cắm ở nơi rậm rạp. Hổ chúa là loại rắn rất nhanh nhẹn. Nọc rắn rất độc. Cho nên mỗi khi bị loại này chạm, nếu không nhanh chóng xử lý, hút độc kịp thời thì tính mạng khó bảo toàn. Chưa đầy một tuần mà anh L đã bị rắn chạm đến 3 lần, suýt mất mạng.
Theo anh L, nghề săn rắn bạc bẽo lắm. Đã chấp nhận làm nghề thì phải tự thân chữa trị nếu bị rắn cắn. Làm nghề săn rắn không ai chữa trị cho ai bởi quan niệm nếu trị bệnh cho người khác thì mình phải gánh họa thay.
Anh L bộc bạch: "Nguy hiểm nhất là các trường hợp rắn đi theo cặp. Tức là, con cái dính câu còn con đực nằm ngoài chờ đến khi nào mình tới là nó cắn liền. Mấy người làm nghề chết cũng vì lâm vào cảnh đó”.
|
Khi rắn dính câu thì dùng mác để cắt dây. Từ những kinh nghiệm của bản thân và kinh nghiệm học được, anh L tâm sự: “Mỗi khi đi làm nghề, lúc nào trong người cũng mang theo một lọ thuốc, nó có tác dụng cầm cự mạng sống khi bị cắn, còn nếu muốn trị khỏi hẳn thì phải tìm thêm một số loài thảo dược khác để giải độc nọc rắn. |
Ngoài ra, trước khi đi săn phải thoa thuốc vô tay để đề phòng rắn tấn công. Điều đặc biệt trong quá trình điều trị nọc độc, người bị cắn không tiếp xúc với thuốc lá trong 24 giờ vì nếu hút đờm giữ ở cổ và nọc độc rút vào trong cơ thể dẫn đến tử vong”.
Thu nhập cao
“Tùy theo từng thời điểm mà giá mua rắn khác nhau. Cụ thể, từ tháng 1 - 6 (âm lịch) rắn hổ đất loại cao nhất có giá từ 1-1,2 triệu đồng/kg, từ tháng 8-12 có mức giá từ 700.000 - 900.000 đồng/kg, còn các loại hổ hành, hổ lãi… có giá thấp hơn.
Mỗi ngày, tiền tôi mua rắn của anh L thấp nhất là 1,5 triệu đồng, nhiều thì lên đến trên 10 triệu đồng”, một chủ mua rắn cho biết.Làm nghề cắm câu rắn đến nay đã gần 20 năm, nhắc lại câu chuyện bắt rắn ở Hậu Giang, anh L kể: “Cách nay hơn 10 năm, chỉ trong một bữa về Ngã Sáu (Châu Thành, Hậu Giang) cắm 20 cần câu mà dính được 15 con rắn to, nhiều nhất là rắn hổ đất nên cũng kiếm được gần 20 triệu đồng.
Khi đến đó xung quanh toàn là da rắn mới lột mà chân không dám bước. Còn nói về các loài rắn tôi bắt được ở khu vực nghĩa trang (Ngã Sáu) không dưới 300 con”.
|
Tôi có mặt tại nhà anh L để đi xem một buổi bắt rắn. Trước khi đi, tôi thấy thợ săn thoa thuốc vào cổ tay áo và uống một ca rượu đầy. Hơn 5 giờ, chúng tôi xuất phát, đến được nơi thì trời cũng đã sáng. |
Thợ săn mang trên mình chiếc túi đựng câu, cùng cây mác nhọn hoắt và không trang bị thêm bất kỳ đồ bảo hộ nào. Tôi và anh L mon men trong một vườn tre um tùm, lội qua một vùng đất đầy lau sậy.
Tôi thấy câu được cắm trên một bờ sậy có dây rợ phủ đầy, cạnh bên là con mương rộng gần 2 m. Cuốn 2 cần câu đầu tiên, không bắt được con rắn nào. Đến cần thứ 3, nghĩ rằng cũng vậy nên anh L sang nhổ câu mà bỏ lại chiếc túi lưới và bị câu.
Bắt rắn như bắt giun. Vừa móc lưỡi câu vào cần, anh L bật mí: “Mỗi đường câu thường cắm không quá 3 cần. Vì lội xa nên bữa nhiều nhất cắm được khoảng 50 cần, còn mệt thì chỉ cắm được 45 cần. Hôm nay, chuột ít nên lượng câu cắm chỉ hơn 30 cần, vậy chứ đi cũng không dưới 30 cây số”.
Lần này, tôi thấy anh khom mình lấy ngón tay búng vào sợi dây câu, bỗng nghe tiếng: “Chắc chắn cần này dính được con “đen” (rắn hổ đất). Như vậy, hôm nay rắn đi ăn nên thế nào bên kia cũng dính thêm vài con nữa”. Ngay lập tức anh lấy cây mác cắt dây câu trong chớp nhoáng rồi bỏ gọn con hổ chúa vào túi lưới.
Tôi cùng anh L tiếp tục vượt qua những bờ vườn, lội sang con kênh thủy lợi để cuốn những cần câu còn lại.
Ông N.V.A, một nông dân ở Hậu Giang, nói: “Trước đây, khu vực này nhiều rắn lắm nên đi làm cứ hơn 3 giờ chiều là phải vô nhà vì thấy rắn bò hoài ai cũng sợ.
Còn mấy năm gần đây, số lượng rắn giảm đáng kể nên ít gặp và đi làm cũng yên tâm hơn. Tôi thấy ông này (anh L) ngoài việc bắt rắn còn chữa trị cho nhiều người khác bị rắn cắn mà không lấy tiền”.
Cũng theo anh L, mỗi lần chi phí đi cắm câu chưa đến 150.000 đồng. Rắn hổ đất trước khi bán được ép lấy nọc, vừa để người mua không bị cắn, vừa để làm thuốc. 5 lít rượu cùng 8 nọc rắn hổ đất và vài xác rắn đem ngâm 3 tháng, uống sẽ trị nhức mỏi trong người.
Theo Nguyễn Nhân/NNVN