Một mái tóc dài được cắt đi vẫn còn giá trị sử dụng khi được dùng để làm tóc giả. Tuy nhiên, với những lọn tóc ngắn hoặc cực ngắn được cạo từ đầu “cua” thường không thể sử dụng vào việc gì mà chỉ có thể bỏ chúng vào thùng rác. Với nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Sydney, Australia, giờ đây những túm tóc vứt đi cũng có tác dụng ngoài tưởng tượng - làm sạch dầu tràn trên biển.
|
Thảm họa tràn dầu có thể được khắc phục với chi phí rẻ hơn nhiều lần. |
Chi phí rẻ bất ngờ
Nghe có vẻ phi thực tế nhưng Rebecca Pagnucco, một sinh viên đã hoàn thành chương trình thạc sỹ của Đại học Công nghệ Sydney (UTS), khẳng định công trình này rất thực tế và sẽ giúp tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ.
“Có rất nhiều vật liệu khác nhau được sử dụng để xử lý vết dầu loang trên biển, các vật liệu tổng hợp, đặc biệt là polypropylene và các loại nhựa polymer khác.Công chúng gần đây có sự chú ý đặc biệt tới vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và liệu các chất hút dầu kia có làm ô nhiễm nhiều hơn thay vì cố gắng làm sạch dầu hay không”, Pagnucco chia sẻ, “Trong khi đó, tóc là chất tẩy tự nhiên. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tóc có thể hấp thụ lượng dầu gấp từ 3-9 lần so với trọng lượng của chúng. Nếu tóc chúng ta dính dầu, tóc sẽ trở nên nhờn hơn bởi về cơ bản dầu đã bị dính vào các sợi tóc. Cùng với phương pháp tương tự, tóc có thể dính vào các loại dầu khác, đặc biệt là dầu thô”.
Trước đây, chúng ta thường sử dụng vật liệu như bông, len để dọn các vết dầu loang trên biển. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này chưa cao và chi phí cũng không hề nhỏ. Điều quan trọng hơn khác là bông và len được dùng trong công nghiệp dệt vải vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với dùng để xử lý vết dầu loang.
Vật liệu “khói đóng băng” dọn sạch dầu loang
Các nhà khoa học tại Arizona và New Jersey (Mỹ) đã tạo ra vật liệu aerogel - một chất rắn siêu nhẹ hay còn gọi bằng một cách khác là “khói đóng băng” có thể đóng vai trò như một miếng bọt biển giúp hút sạch dầu từ nước thải và thấm toàn bộ những vết dầu loang trên biển. Nhà nghiên cứu Robert Pfeffer cùng các cộng sự chỉ ra rằng môi trường biển ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn sau vụ tràn dầu trên biển của Exxon Valdez.
Nhóm các nhà khoa học đã ghép miếng aerogel nhỏ vào một cột đứng rồi đưa chúng xuống dòng nước đang chảy có chứa dầu đậu nành để kích thích quá trình lọc tại một nhà máy xử lý nước thải. Kết quả cho thấy, chuỗi các miếng aerogel có thể hút một lượng dầu gấp 7 lần trọng lượng của nó đồng thời loại bỏ dầu trong nước thải với hiệu quả rất cao, thậm chí cao hơn so với các chất liệu thông thường khác đang được sử dụng.
“Dù tìm ra phương pháp nào, thì điều chúng ta quan tâm hơn cả chính là ý thức của mỗi chúng ta trong cách mà chúng ta bảo vệ môi trường sống của mình”, nhà nghiên cứu Robert Pfeffer nói.
Theo Trần Biên/ANTĐ