Theo anh Hoàng Văn Hà, cán bộ bảo tồn của ATP, từ năm 2003, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã tiến hành các cuộc điều tra phỏng vấn tại nhiều khu vực thuộc 18 tỉnh miền Bắc Việt Nam để tìm kiếm các khu vực sông, hồ, và đất ngập nước nơi loài rùa từng phân bố.
Theo kết quả khảo sát, loài rùa đặc biệt này đã từng được tìm thấy tại hầu hết các khu vực thuộc đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, các cá thể rùa lớn với trọng lượng cơ thể trên 150kg đã bị săn bắt mạnh mẽ trong suốt thập niên 1970, 1980, cho đến những năm cuối của thập niên 1990. Hầu hết cá thể rùa khổng lồ đã bị săn bắt ở hồ nhân tạo được xây dựng tại vùng đất ngập nước.
|
Đánh bắt thủy sản bằng phương pháp bắt chuồng trên hồ Xuân Khanh. Ảnh: ATP. |
Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng ở nhiều hồ rộng với địa hình phức tạp, có diện tích trên 1.000 ha. Loài rùa này có tập tính bí ẩn, hiếm khi nổi và lên bờ tắm nắng, thường sử dụng phần lớn thời gian của mình ở vùng nước sâu. Trong suốt quá trình khảo sát, cán bộ của ATP đã ghi nhận dấu hiệu cho thấy vẫn còn tồn tại rùa mai cỡ lớn ở một số khu vực của miền bắc Việt Nam. “Đây khả năng cao là những cá thể
rùa Hồ Gươm”, anh Hà chia sẻ.
Nếu tìm thấy cá thể rùa mai mềm cỡ lớn, việc xác định loài hiện nay tương đối thuận lợi nhờ kỹ thuật Gen môi trường (eDNA). Kỹ thuật này cho phép không lấy mẫu AND trực tiếp từ con vật mà dựa vào việc phát hiện các dấu vết di truyền nhỏ nhất trong mẫu nước được thu tại nơi cần xác minh sự tồn tại của một loài rùa nào đó. eDNA là một kỹ thuật mới được nghiên cứu và ứng dụng trong nghiên cứu rùa và động vật hoang dã.
Kỹ thuật này đã giúp xác định cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh sau khi thu thập, phân tích 15 mẫu gen môi trường từ tháng 12/2016-6/2017. Tiến sỹ Caren Goldberg thuộc Đại học bang Washington, người thực hiện phân tích 15 mẫu gen môi trường của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh là chuyên gia hàng đầu thế giới về kỹ thuật này. “Với kỹ thuật hiện đại và kết quả khảo sát thực tế, chúng tôi đang tràn đầy hy vọng có thể tìm thêm một số cá thể rùa Hoàn Kiếm”, anh Hà chia sẻ.
Việt Nam vẫn chưa có cơ sở bảo tồn đủ chuẩn
Với việc tìm thấy cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh, Việt Nam đang có 2/4 cá thể rùa Hoàn Kiếm của thế giới (một cá thể ở hồ Xuân Khanh và một cá thể ở hồ Đồng Mô, cùng thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Tuy nhiên, các nhà bảo tồn của ATP lo ngại về sự an toàn với 2 cá thể này.
Trong văn bản gửi tới UBND thành phố Hà Nội mới đây, ATP cho biết, cả 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm của Việt Nam đang gặp nhiều nguy hiểm từ hoạt động đánh bắt thủy sản và các dự án phát triển kinh tế xã hội trên hồ. Như mới đây, từ ngày 11-14/4/2018, chủ hồ Xuân Khanh sử dụng phương pháp bắt chuồng (một hình thức đánh bắt cá) ở phần nửa hồ mà các cán bộ ATP tin rằng cá thể rùa Hoàn Kiếm đang sinh sống ở đó. Với phương thức đánh bắt này, nguy cơ rùa bị bắt là rất lớn.
ATP cũng cho biết, sau khi tìm thấy cá thể rùa Hoàn Kiếm mới, hy vọng nhân giống bảo tồn được dấy lên. Tuy nhiên, việc phục hồi quần thể loài rùa Hoàn Kiếm sẽ gặp nhiều trở ngại vì chưa có cơ sở bảo tồn nào ở Việt Nam có đủ cơ sở vật chất, kiến thức, kinh nghiệm để chăm sóc, nhân nuôi loài rùa Hoàn Kiếm. Đây là loài sống hoang dã với tập tính bí ẩn nên khó duy trì trong điều kiện nuôi nhốt.
Hiện nay, cả 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm đang được sự giám sát chặt chẽ của các cán bộ bảo tồn. ATP kiến nghị, cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ, tăng cường đảm bảo an toàn cho 2 cá thể rùa cũng như giải pháp lâu dài để bảo tồn và nhân giống loài rùa quý hiếm nhất thế giới.
Theo Tiền Phong