Kho báu 2.000 năm tuổi ở pháo đài cổ được khai quật

Google News

Các nhà khảo cổ học vừa khai quật hai kho báu cổ, được cư dân ở một thị trấn nhỏ thuộc Crimea (Ukraine ngày nay) chôn giấu khi bị quân La Mã xâm lược cách đây khoảng 2.000 năm.

Trong báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Các nền văn minh cổ từ Scythia tới Siberia, nhóm tác giả cho biết đã tìm thấy hơn 200 đồng tiền xu, chủ yếu bằng đồng, cùng với “vô số trang sức bằng vàng, bạc và đồng cũng như các bình thủy tinh” bên trong một pháo đài cổ ở khu dân cư Artezian thuộc Crimea (Ukraine ngày nay).

“Pháo đài này từng bị bao vây. Những người giàu ở Artezian và khu vực lân cận đã cố chôn giấu của cải ở bên trong thành nhằm tránh sự dòm ngó của quân La Mã”, Nikolaï Vinokurov, giáo sư Đại học Sư phạm quốc gia Moscow, lý giải.
 Các kho báu mới phát hiện ở Artezian được xác định được cư dân địa phương chôn vùi cách đây khoảng 2.000 năm khi bị quân La Mã xâm lược. Ảnh: Live Science

Với diện tích 1,3 hécta, Artezian là khu dân cư có một nghĩa trang riêng thuộc Vương quốc Bosporus. Vào thời điểm đó, số phận của vương quốc này bị giằng xé do sự bất đồng giữa hai anh em: Mithridates VIII, người muốn độc lập khỏi Rome và em trai ông - Cotys I, người ủng hộ việc giữ vương quốc là nước chư hầu của đế quốc ngày càng lớn mạnh. Rome đã cử một đội quân tới hỗ trợ Cotys, đưa ông ta tiếp quản thủ đô Bosporan và đốt các khu định cư nằm dưới sự kiểm soát của Mithridates, bao gồm cả Artezian.

Mọi người đã tụ dồn trong pháo đài nhằm bảo vệ nhau trước sự tấn công của quân La Mã, nhưng nhà nghiên cứu Vinokurov nhận định, họ đều lường trước kết cục bi thảm cuối cùng. Trang Live Science dẫn lời chuyên gia này nói: "Chúng tôi cho rằng, các kho báu này là những nghi thức hy sinh phục vụ tang lễ. Rõ ràng, họ đều biết mình sẽ chết không lâu sau đó". Cuộc bao vây và sự sụp đổ của pháo đài đã xảy ra vào năm 45 sau Công nguyên.
 
Trong số các cổ vật khai quật được có nhiều món đồ mang đậm nét Hy Lạp. Ảnh: Live Science

Một điều gây tò mò là, mỗi kho báu bị chôn vùi đều chứa chính xác 55 đồng xu do Mithridates VIII cho đúc. “Đây có thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc có thể là các khoản tiền bằng nhau mà những người ủng hộ Mithridates đã trả cho các chủ sở hữu quan tài”, trích báo cáo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học.

Nhóm nghiên cứu của ông Vinokurov đã tìm hiểu về Artezian kể từ năm 1989 và phát hiện người dân ở khu định cư này tuân theo một nền văn hóa đậm nét Hy Lạp dù thành phần sắc tộc là hỗn hợp.

Người Hy Lạp đã từng tạo ra các thuộc địa ở vùng Biển Đen nhiều thế kỷ trước đó, kết hôn khác chủng tộc với người Crimean. Phong tục tập quán và các dạng thức nghệ thuật mà họ giới thiệu dường như đã ăn sâu bám rễ ở đây suốt nhiều thế hệ bất chấp khoảng cách địa lý gần 1.000 km với Hy Lạp.

Ảnh hưởng của Hy Lạp có thể thấy rõ trong các kho báu mà người Artezian đã chôn vùi. Chẳng hạn như, một chiếc trâm bạc khắc hình ảnh Aphrodite, nữ thần tình yêu của Hy Lạp và những chiếc nhẫn vàng với mặt đá quý được chạm khắc hình ảnh của hai vị thần Hy Lạp khác là Nemesis và Tyche.

Khi các nhà khảo cổ khai quật những phần khác của khu vực bị thiêu rụi, họ khám phá thêm nhiều bằng chứng về phong cách sống kiểu Hy Lạp. Tất cả đã bị người La Mã hủy hoại và về sau được Cotys I cho xây dựng lại sau khi được Rome dựng lên làm vua. Tuy nhiên, việc kho báu của những cư dân trước đó chưa từng được khám phá như một minh chứng cho sự chống đối tuyệt vọng trước quyền lực ngày càng tăng của Rome.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:
Theo Vietnamnet