Ngoài việc mất môi trường sống và bị phơi nhiễm thuốc trừ sâu, những con ong còn phải đối mặt với áp lực gia tăng từ những ký sinh trùng ruồi Conopid.
Nghe có vẻ như giống như một bộ phim kinh dị về việc chiếm xác vật chủ thế nhưng sự thật còn tàn ác hơn nhiều. Ấu trùng ruồi Conopid được phân loại như một loại ký sinh trùng và loài ký sinh trùng này không chỉ sống dựa vào vật chủ mà còn giết chết vật chủ theo cách khủng khiếp và đáng sợ nhất.
Không chỉ đơn giản là chiếm cơ thể, biến vật chủ thành xác sống hay kiểm soát cơ thể và để lại bộ não của vật chủ còn nguyên vẹn, những con ruồi Conopid ăn sống vật chủ từ bên trong trước khi buộc vật chủ phải hạ cánh trên mặt đất và đào hố chôn chính mình.
Theo nghiên cứu khoa học, ruồi Conopid có cách lây nhiễm rất đặc biệt. Những con ruồi cái trưởng thành sẽ nằm chờ trong những bông hoa có khả năng thu hút côn trùng, đặc biệt là ong đến lấy phấn.
Khi một con ong bay đến ở khoảng cách đủ gần, ruồi cái Conopid sẽ đánh lén đối thủ ngay giữa không trung. Nhìn thì rất nhanh nhưng những động tác của ruồi Conopid vô cùng cẩn thận. Khi vừa chạm vào cơ thể của những con ong, ruồi cái Conopid sẽ ập tới phần bụng của con ong nạn nhân, kích thích phần bụng của con ong mở ra và đẻ một quả trứng vào đó.
Mời quý vị xem video: Kinh hoàng giun ký sinh chui ra khỏi nhện. Nguồn video: Daily Mirror
Đạt được mục đích, con ruồi cái Conopid bay đi, để lại con ong nạn nhân vẫn không hề biết rằng mình bị nhiễm ký sinh trùng và chỉ còn sống được vài ngày nữa.
Phải mất hai ngày để trứng ruồi Conopid nở thành ấu trùng. Khi đã nở thành ấu trùng, ruồi Conopid bắt đầu ăn máu thịt của con ong vật chủ. Tiếp đó, theo thời gian trưởng thành, ấu trùng bắt đầu ăn mô ruột của vật chủ. Theo nghĩa đen, nó ăn sống từng phần nội tạng của con ong vật chủ, trong khi con ong vẫn còn sống và chịu đựng điều cực kỳ đau đớn đó.
Sau khoảng 10 ngày, ấu trùng Conopid điều khiển con ong vật chủ rơi xuống đất, bắt vật chủ tự đào một cái lỗ nhỏ trên mặt đất sau đó bò vào đó và giết chết vật chủ.
Hiện các nhà khoa học không rõ làm thế nào mà ký sinh trùng ruồi Conopid có thể khiến những con ong phải tự đào hố chôn mình thế nhưng theo một lý thuyết, có thể thủ đoạn của ký sinh trùng ruồi Conopid là khiến con ong vật chủ nghĩ mình là ong chúa, sẵn sàng ngủ đông.
Tuy nhiên, khiến cho vật chủ chết vẫn chưa hài lòng, trong sự bảo vệ ấm cúng và an toàn của cơ thể nạn nhân đã bị chôn vùi, ấu trùng ruồi Conopid yên tâm phát triển thành một con nhộng. Sau một thời gian, nó trở thành ruồi Conopid trưởng thành và tự thoát ra khỏi ngôi mộ nông, sẵn sàng kiếm ăn và bắt đầu một chu kỳ lây nhiễm cho những con ong khác.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, ruồi Conopid không chỉ ăn sống và điều khiển vật chủ, nó còn ảnh hưởng triệt để đến hành vi của vật chủ, khiến những loài côn trùng bị nhiễm có xu hướng dành ít thời gian cho tổ của mình và dành nhiều thời gian để kiếm ăn hơn.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra điều đặc biệt, đó là những con ong bị nhiễm ký sinh có thể không quay lại tổ. Đây có thể là do sự căng thẳng về thể chất - ong cư xử lạ lùng khi bị ăn mòn từ bên trong. Cũng có thể là do cơ chế phòng về của ấu trùng ruồi Conopid.
Kiều Dụ (Theo Oddnews)