Một bài báo vừa đăng tải trên tạp chí ACS Nano của nhóm tác giả đến từ Đức cho biết họ vừa thiết kế thành công một công cụ đưa thuốc trị ung thư vào đường sinh dục của nữ giới. Đó là những con tinh trùng bò được kết hợp với một cấu trúc nhựa rồi phủ một lớp áo giáp sắt bằng công nghệ in 3D.
Thực ra, phần giáp sắt này có công dụng chủ yếu là giúp các nhà khoa học có thể kiểm soát được đường đi của các "hiệp sĩ" bằng từ trường, giúp chúng có thể tìm và diệt chính xác tế bào ung thư. Nhiều người ví công cụ này như một bán robot dạng tinh trùng nhưng thực tế chúng là những con tinh trùng sống và thực hiện nhiệm vụ chủ yếu bằng khả năng bơi tự nhiên của mình.
|
Lợi dụng bản năng tìm và thâm nhập tế bào của tinh trùng, các nhà khoa học đã biến chúng thành chiến binh cảm tử trong một liệu pháp điều trị ung thư "nhắm trúng đích" - (ảnh: LIVE SCIENCE).
|
Trả lời phỏng vấn trên tờ Live Science, bà Mariana Medina-Sánchez - trưởng nhóm Kỹ thuật Micro và Nano Y sinh, thuộc Viện nghiên cứu Nano tổng hợp ở Dresden (Đức), một trong các tác giả cho biết: "Tinh trùng có khả năng tự nhiên hợp nhất với tế bào trứng. Nó có thể làm điều tương tự với các tế bào ung thư và giải phóng thuốc bên trong các tế bào này".
Việc giải phóng thuốc bên trong tế bào ung thư giúp việc điều trị trở thành một biện pháp "nhắm trúng đích" cực kỳ hiệu quả. "Nhắm trúng đích" là cách gọi những phương pháp điều trị ung thư mà trong đó các tế bào lành được bảo tồn tối đa, giúp tăng cơ hội sống và hồi phục cho bệnh nhân.
Trong nghiên cứu này, tinh trùng bò sẽ mang thuốc trị ung thư cổ tử cung doxorubicin hydrochloride ở phần đầu, bởi cấu trúc đầu của tinh trùng giúp thuốc được bảo vệ tốt khỏi môi trường xung quanh. Tinh trùng bò cũng hoàn toàn miễn nhiễm trước loại thuốc này nên nó vẫn khỏe mạnh và bơi đến đích.
Công trình đã bắt đầu được thực hiện từ vài năm trước và có những cải tiến đáng kể để phát huy tốt hơn khả năng tự nhiên của tinh trùng bò, thay vì cố biến nó thành một con robot. Nhóm nghiên cứu cho biết họ sắp thực hiện các thử nghiệm đầu tiên trên động vật và hy vọng tiếp sau đó sẽ sớm thử nghiệm trên người.
Theo PV / Người Lao Động