Ngày 14/9 vừa qua, lễ trao giải Ig Nobel 2017 do tạp chí Annals of Improbable Research đã diễn ra tại Đại học Havard (Mỹ). Năm nay nhiều công trình trao giải được đánh giá là có nhiều khả năng ứng dụng trong thực tiễn hơn.
Ig Nobel Vật lý: Mèo là chất lỏng?
Với công trình nghiên cứu “On the Rheology of Cat - Lưu biến học của mèo” từ năm 2014, nhà khoa học người Pháp Marc-Antonie Fardin đã đạt giải Ig Nobel Vật lý, khi nghiên cứu động lực học chất lỏng của mèo nhằm xác định con mèo là chất rắn hay chất lỏng. Fardin đã thấy con thú cưng này có thể thích ứng với nhiều loại vật chất chứa đựng nó.
Kết quả thử nghiệm của ông cho thấy, con mèo sẽ là chất lỏng khi nó ở trong những chiếc hộp nhỏ bởi khả năng lấp kín những khoảng không xung quanh, còn khi ở dưới nước nó có thể giảm mức tối đa tiếp xúc với nước giống như đặc tính của chất rắn.
|
Mèo là chất lỏng hay chất rắn? |
Ig Nobel Hòa bình - Chữa chứng ngưng thở khi ngủ bằng kèn didgeridoo:
Giải Ig Nobel này được trao cho 6 nhà khoa học Thụy Sĩ, khi họ nghiên cứu tác dụng của kèn didgeridoo - một loại kèn của thổ dân Australia. Kết quả, nhóm nhà khoa học nhận thấy thường xuyên chơi didgeridoo chính là một biện pháp hiệu quả trong điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, và khẳng định hiệu quả hơn so với nhiều biện pháp điều trị trước đó. Nhóm đã nghiên cứu trên 25 người có chứng ngủ ngáy và yêu cầu họ chơi didgeridoo 6 ngày/tuần trong vài tháng. Kết quả cho thấy 25 người này đã giảm hẳn những tật ngủ ngáy và tỉnh táo hơn về ban ngày.
Ig Nobel Kinh tế - Mê cờ bạc có liên quan đến… cá sấu
Các nhà khoa học Australia đã có một công trình nghiên cứu khá thú vị về mối liên quan giữa việc nuôi 1 con cá sấu với việc ham chơi cờ bạc của một người. Nhóm nhà khoa học đã nghiên cứu 1 nhóm người nuôi những con cá sấu dài gần 1m. Kết quả cho thấy, tình trạng thức tỉnh suốt ngày được gây ra bởi việc nuôi cá sấu đã làm tăng nguy cơ sa vào bài bạc của những người này. Nghiên cứu này cũng dựa trên những ý tưởng trước đó về cảm giác thức tỉnh có tác động đến việc đánh bài, bạc hay không.
Ig Nobel Sinh học - Động vật có cơ quan sinh dục hoán đổi
Nhóm nhà khoa học Yoshizawa, Ferreira, Kamimura, Lienhard đã được nhận giải thưởng này với công trình nghiên cứu một số loài côn trùng sống trong các hang động dường như có sự đối lập trong cơ quan sinh dục so với các loài thông thường. Cụ thể, con có trứng lại mang bộ phận sinh dục của con đực và ngược lại. Qua đây cho thấy, nếu tập trung vào khai thác ý tưởng này có thể cho chúng ta thêm nhiều khái niệm chọn lọc tự nhiên trong quá trình tiến hóa của các loài sinh vật.
Ig Nobel Nhận thức - Cặp song sinh không nhận ra khuôn mặt mình
Các nhà khoa học Italy đã đạt giải Ig Nobel này với lĩnh vực nhận thức khi chứng minh nhiều cặp song sinh cùng trứng đã không thể nhận diện ra chính họ. 10 cặp anh, chị em song sinh cùng trứng đã được tiến hành thí nghiệm khi họ chụp hình khuôn mặt của mình từ trái, phải, bên trên, dưới và được yêu cầu nhận diện khuôn mặt đó càng nhanh càng tốt. Và những cặp song sinh này đã gặp khó khăn ngay trong việc nhận ra đâu là chính mình.
Ig Nobel Giải phẫu - Đàn ông lớn tuổi thực sự có đôi tai lớn hơn?
Giải thưởng này được trao cho nhà khoa học Anh James Heathcote. Ông đã cùng 4 bác sĩ khảo sát trên 206 bệnh nhân nam độ tuổi từ 30-93, và dường như đôi tai của họ lớn hơn khoảng 0,22mm/năm. Tuy nhiên, lời giải thích cụ thể của nhà khoa học này vẫn đang để ngỏ.
Ig Nobel Dinh dưỡng - Phát hiện dơi hút máu người
Các nhà khoa học Farnanda Ito, Enrico Bernard và Rodrigo Torres đã tìm thấy máu người trong loài dơi quỷ chân lông. Trước đây, loài dơi này là cảm hứng cho các nhà làm phim về ma cà rồng. Tuy nhiên, sau nghiên cứu này các nhà khoa học đặt ra vấn đề, cần làm gì khi con người xâm phạm tới lãnh địa của loài dơi quỷ chân lông. Chúng có phải là động vật trung gian truyền bệnh hay chúng chiến đấu sinh tồn với loài khác như thế nào.
Ig Nobel Công nghệ số - Cầm tách cà phê để không bị đổ
“Nhà khoa học” Ji Won Han là một học sinh trung học đã được vinh danh giải thưởng này khi sử dụng phương pháp số kết hợp với công nghệ mô phỏng trên máy tính để tính toán cách thức giúp chúng ta cầm 1 ly cà phê đi lại mà không bị trào ra ngoài. Theo Ji Won Han thì cách tốt nhất là cho ly cà phê lên đầu, nhìn thẳng về phía trước và đi giật lùi.
Theo ANTĐ