Theo quan niệm của người dân, cá mái chèo xuất hiện là “điềm báo” của động đất. Trong tháng 5/2015, vùng biển miền Trung đã xuất hiện 2 lần cá mái chèo dạt vào bờ. Liệu đây có phải là dấu hiệu báo trước động đất ở Việt Nam?
Cá mái chèo hiếm khi xuất hiện
Ngày 19/5, ngư dân thôn 8, xã Quảng Đại (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) phát hiện một cá mái chèo đã chết tại bờ biển. Cá dài khoảng 3m, nặng 30kg, trên lưng có một dãy vây màu đỏ, thân có những đốm đen. Ngay sau khi phát hiện, người dân dùng phương tiện vớt cá lên bờ. Trước đó ít ngày, sáng 12/5, người dân phát hiện một con cá mái chèo dài 4,1m, nặng 40kg trôi dạt vào bờ biển xã Trung Thạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Cá có mình dẹt, vây lưng có màu đỏ tươi, có sừng phía trên đầu. Theo quan niệm của người dân, cá mái chèo xuất hiện là “điềm báo” động đất.
TS Đặng Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, cá mái chèo có thể sống ở độ sâu khoảng 1.000m so với mặt nước biển. Đây là loài cá xương dài nhất còn sống trên thế giới, với chiều dài có thể đạt được là 17m và có thể nặng tới 270kg.
Loài này được cho là báo trước động đất vì trước trận động đất Tohoku và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản, khoảng 20 con cá mái chèo bị mắc cạn trên bờ biển. Điều này được lý giải là khi động đất xảy ra, áp lực trong các lớp đá có thể tạo ra điện tích tĩnh, khiến các ion tích điện được giải phóng trong nước. Quá trình trên sẽ kéo theo sự hình thành hydrogen peroxide, một hợp chất độc hại. Ion tích điện cũng có thể oxy hóa chất hữu cơ, hoặc giết chết cá hoặc buộc chúng phải rời vùng biển sâu và xuất hiện gần bề mặt.
Hiện tượng này ở Việt Nam có thể được lý giải bằng nhiều giả thuyết khác nhau. Có thể do trước động đất, khí carbon monoxide được giải phóng một lượng lớn, ảnh hưởng đến cá mái chèo và các loài sinh vật biển sâu. Cá mái chèo trôi dạt bờ biển có thể do hoạt động địa chấn, nhưng cũng không loại trừ các yếu tố không liên quan đến động đất như hạ âm sinh ra từ hoạt động của tàu ngầm quân sự, hay ô nhiễm môi trường nước.
|
Cá mái chèo. |
Chưa đủ dữ liệu để khẳng định
Các loài cá sống ở gần đáy biển thường nhạy cảm với các chuyển động của các đường đứt gãy hơn so với những loài sống gần bề mặt nhưng không đủ để khẳng định dấu hiệu đó báo trước động đất.
GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho rằng, việc loài cá này dạt vào bờ biển Thanh Hóa và Quảng Bình thời gian gần đây chưa thể khẳng định chúng là điềm báo trước động đất. Cá trôi dạt bờ biển có thể do các yếu tố không liên quan đến động đất như hạ âm sinh ra từ hoạt động của tàu ngầm, đặc biệt là sự ô nhiễm môi trường nước. Môi trường biển ô nhiễm những năm gần đây cũng tạo nên những hiện tượng hiếm gặp. Dầu tràn, nước có nhiều kim loại nặng, hóa chất độc hại... khiến những loài cá sống ở tầng sâu thiếu oxy, chúng buộc phải di chuyển lên các tầng nước nông hơn để tồn tại. Hiện tượng cá voi bỗng dưng tấn công người hay trôi dạt vào bờ biển cũng thường xuất phát từ các nguyên nhân này.
Dựa vào các phân tích đó thì chưa thể kết luận việc cá mái chèo xuất hiện ở vùng biển Việt Nam sẽ đem đến động đất. TS Nguyễn Hồng Phương, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, hiện tượng động vật báo trước động đất thì có rất nhiều. Chuột, kiến, rắn, chim, cá heo... rất nhiều loài được cho là có khả năng cảm nhận thính nhạy hơn con người trong việc nhận biết các biến đổi của địa chất, khí quyển, nhưng cho đến nay chưa có thước đo nào từ các dấu hiệu này để khẳng định động đất. Hành vi của động vật không phải lúc nào cũng nhất quán nên không thể dựa vào đó để đưa ra thông tin cảnh báo.
“Khi có cùng lúc các dấu hiệu báo trước của thiên tai như nhiều loài đồng loạt có những bất thường, rắn ra khỏi hang, chim bay di trú, cá dạt vào bờ... thì mới phải tính toán đến khả năng động đất. Nhưng khi đã có các dấu hiệu đó thì khả năng thiên tai cũng đã đến rất gần, khi đó các phương tiện đo đạc cũng có thể phát hiện ra những bất thường”.
GS Đặng Huy Huỳnh
Bảo Khánh