Sau khi người dân thôn Phú Cốc Tây, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam bắt con trăn nặng hơn 30 kg giết thịt đem bán, mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức kiểm tra, rà soát đàn trăn trên địa bàn để có biện pháp bảo vệ.
Nhiều con trăn lớn đã bị giết
Những ngày gần đây, lo ngại trăn núi tấn công đàn gia súc, bà Lê Thị Bé (40 tuổi, ngụ thôn Phú Cốc Tây) cùng nhiều hộ chăn nuôi khác đã lên khu rừng Già (địa phận 2 huyện Quế Sơn và Hiệp Đức) lùa gia súc về thả ở gần nhà. Gặp chúng tôi, bà Bé cho biết chưa hết sợ khi nghĩ đến giây phút giáp mặt con trăn quý “khổng lồ”.
|
Con trăn nặng hơn 30 kg bị giết sau khi nuốt chửng 1 con bê. (Ảnh do người dân cung cấp). |
“Tối 9/12, con bò cái của tôi từ trên núi chạy về chuồng mà không có con bê 4 tháng tuổi. Nghĩ bê bị lạc, sáng sớm hôm sau, tôi đưa bò mẹ lên núi tìm con bê. Khi vào khu vực rừng Già khoảng vài trăm mét, tôi hốt hoảng khi thấy con trăn khổng lồ nằm cuộn mình với cái bụng căng tròn”, bà Bé kể.
Sau vài phút, bà mới hoàn hồn rồi chạy về thôn báo tin. Nhiều thanh niên trong làng lập tức lên núi khống chế, khiêng con trăn về nhà giết thịt. Sau khi lấy con bê nặng 30 kg ra, người dân cân con trăn nặng hơn 30 kg, dài 5 m. Theo bà Bé, từ đầu năm đến nay, đây là con bê thứ 4 của gia đình bị mất.
Không riêng gia đình bà Bé, nhiều hộ chăn nuôi ở bên kia chân núi thuộc xã Quế Phong, huyện Quế Sơn cũng khốn đốn vì trăn liên tục tấn công đàn dê của họ. Ông Lê Công Tâm (38 tuổi; ngụ thôn Gia Cát Trung, xã Quế Phong) cho biết 5 năm qua, gia đình ông bị mất đến 40 con dê.
Ban đầu, ông nghĩ do bị bắt trộm nhưng sau nhiều lần mật phục mới biết thủ phạm chính là đàn trăn.
“Hai năm nay, tôi đã cùng nhiều chủ trang trại khác tổ chức mai phục và bắt được 3 con trăn. Trong đó, năm 2014, tôi bắt được con lớn nhất nặng đến 63 kg, dài 7 m; 2 con khác nặng 20 và 30 kg”, ông Tâm nói.
Từ khi làm trang trại vào năm 1995 đến nay, gia đình ông Nguyễn Kỳ (45 tuổi, ngụ thôn Gia Cát Trung) đã mất hàng trăm con dê. Gần đây, ông phải dời trang trại từ chân núi về gần nhà để hạn chế thiệt hại.
“Tôi gần như khánh kiệt vì liên tục bị mất dê. Quá bực tức, tôi đã mật phục và chém được 3 con trăn nặng từ 30 đến 45 kg mang về nấu cao. Trên rừng Già vẫn còn rất nhiều trăn”, ông Kỳ cho biết.
Lên phương án bảo vệ
Ông Nguyễn Mậu Hẹn, Chủ tịch UBND xã Quế Thọ, cho biết lâu lâu người dân địa phương bắt được trăn ở gần khu vực rừng Già. Tuy nhiên, đa số những con trăn bắt được chỉ nặng vài ký chứ chưa có con nào lớn như con ăn con bê của bà Bé vừa rồi.
Theo ông Hẹn, khu rừng Già rộng khoảng 100 ha là rừng tự nhiên. Hiện nay, người dân đã trồng rừng keo bao phủ toàn bộ đồi núi, điều này có thể làm ảnh hưởng đến môi trường sống của trăn.
Ông Phạm Hồng Ân, Chủ tịch UBND xã Quế Phong, xác nhận thông tin người dân đã nhiều lần bắt được trăn tại khu vực rừng Già, trong đó có việc ông Tâm bắt được con trăn nặng 63 kg.
“Người dân thấy trăn ăn dê của họ nên bắt chứ không hề nghĩ loài này là động vật quý hiếm. Họ bắt được trăn thì đem bán hoặc giết thịt chứ không hề báo cho chính quyền địa phương. Khi chúng tôi nghe tin thì mọi chuyện đã rồi”, ông Ân nói.
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết vừa chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức vào cuộc xác minh, kiểm tra khu vực trăn thường sinh sống để có phương án bảo vệ. Theo ông Tuấn, trăn là loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ và nghiêm cấm săn bắt, buôn bán trái phép…
“Người dân cần tránh xa khu vực thường hay có trăn xuất hiện, đồng thời không nên bắt và giết thịt trăn”, ông Tuấn khuyến cáo.
Rất bất ngờ
Ông Đặng Văn Tiến, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức, cho biết đã nhận được văn bản của Chi cục Kiểm lâm tỉnh và cử lực lượng đi xác minh thông tin bắt trăn giết thịt.
Ông Tiến bày tỏ bất ngờ trước thông tin người dân bắt được con trăn nặng hơn 30 kg vừa qua và cho biết lâu nay không hề nghe thông tin có việc người dân bắt giết thịt trăn tại khu vực rừng Già.
Theo Người Lao Động