|
Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô bị người dân bắt được tháng 11/2018 sau sự cố tràn đập hồ Đồng Mô. Ảnh: ATP
|
Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được chụp ảnh lần đầu tiên vào tháng 6/2007. Tại thời điểm đó, đây là cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ 2 được phát hiện ở Việt Nam (sau cụ rùa Hồ Gươm) và là cá thể rùa thứ 4 trên thế giới. Hai cá thể còn lại gồm một đực, một cái ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc.
Tháng 11/2008, lũ lịch sử ở Hà Nội khiến đập hồ Đồng Mô vỡ, cá thể rùa Hoàn Kiếm thoát ra sông Tích. Ngày 26/11/2008, một người dân ở thôn Cời (phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bắt được rùa.
Do người dân chưa hiểu rõ quy định bảo vệ động vật hoang dã, thương lái lại trả số tiền lớn nên các cán bộ bảo tồn phải mất nhiều thời gian, công sức để thuyết phục người dân trao trả rùa. Cán bộ kiểm lâm, công an cũng phải vào cuộc. Cá thể rùa Hoàn Kiếm sau đó được cán bộ bảo tồn của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) chữa trị vết thương và trả về hồ Đồng Mô.
Ngày 02/03/2015, cá thể rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô lần nữa gặp nguy khi dính lưỡi của người dân săn bắt và chỉ may mắn thoát ra ngoài khi phá lưới.
Theo các chuyên gia bảo tồn, hai cá thể rùa Hoàn Kiếm của Việt Nam (gồm cả cá thể mới được phát hiện ở hồ Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây) đang đối mặt với nhiều mối đe dọa như nguy cơ rùa bị “dính” lưới trong hoạt động đánh bắt cá, hoạt động săn bắt ngẫu nhiên của người dân. Ngoài ra, hoạt động của đập Đồng Mô tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho rùa như rùa có thể thoát ra ngoài, hoặc bị thương, chết khi đập mở. Mới đây, Tổng cục Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt quả tang URENCO 6 (đơn vị thành viên của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội – URENCO) xả thải trái phép ra hồ Xuân Khanh, làm dấy lên lo ngại chất lượng môi trường nước nơi cá thể rùa Hoàn Kiếm sinh sống.
Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á mới đây có văn bản gửi đến UBND thành phố Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội kêu gọi bảo vệ hai cá thể rùa Hoàn Kiếm trước những mối đe dọa kể trên. Cũng theo tổ chức này, rùa Hoàn Kiếm nằm trong phụ lục I của Nghị định 160 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, mọi hành vi vi phạm liên quan tới rùa Hoàn Kiếm như săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép (ngoại trừ hành vi quảng cáo và một số vi phạm về trình tự thủ tục) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bất kể khối lượng, số lượng hay giá trị tang vật theo điều 244 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo Tiền Phong