Nơi thú hoang chờ... chết

Google News

Việc cấm sử dụng hóa chất trong ngành nông nghiệp là điều bất khả thi trong bối cảnh dân số châu Phi bùng nổ và sự cạnh tranh về môi trường sống cũng như thực phẩm tăng mạnh, điều này đang khiến số lượng thú hoang cạn kiệt.
 

Ở Kenya nói riêng và châu Phi nói chung, chất độc đang được sử dụng để tiêu diệt các sinh vật nhỏ làm thức ăn, săn voi, tê giác lấy ngà, sừng và một số bộ phận động vật khác để bào chế thuốc.
Môi trường sống thu hẹp
Ngoài ra, hóa chất độc hại còn được tận dụng trong các cuộc chạm trán giữa người và thú hoang - như trong trường hợp sư tử hoặc linh cẩu giết gia súc hoặc voi phá hủy mùa màng. Khi đó, thuốc trừ sâu thường là lựa chọn phổ biến vì giá rẻ, dễ mua và có khả năng sát thương cao. "Việc sử dụng chất độc đang là vấn đề lớn" - ông Francis Gakuya, người đứng đầu cơ quan thú y tại Tổ chức Bảo tồn và Quản lý động vật hoang dã Kenya (KWS), thừa nhận.
Dùng chất độc để trả đũa trong các cuộc xung đột giữa người và động vật hoang dã có thể xảy ra bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào nhưng khó thu thập đủ bằng chứng về hành động này. Dù vậy, hầu hết giới quan sát động vật hoang dã của Kenya - nhà sinh vật học, nhân viên KWS và các tổ chức bảo tồn động vật - nhất trí rằng việc lạm dụng chất độc sẽ tiếp tục tăng khi con người và động vật hoang dã đang leo thang đối đầu.
Thực tế, các khu bảo tồn của Kenya đang bị bao vây, gồm tất cả các khu bảo tồn chính và công viên ở phía Nam: Masai Mara, Amboseli, Tsavo West và Tsavo East. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng - từ đường cao tốc, đường sắt, nhà máy điện, mạng lưới điện đến ngành công nghiệp nặng, trung tâm công nghệ cao và các thành phố đều đang phát triển - dần xâm lấn môi trường sống của động vật hoang dã. Dân số Kenya dự báo tăng gần gấp đôi lên hơn 80 triệu người vào năm 2050 và không ít trang trại mọc lên tại vùng nông thôn, ngăn chặn sự di chuyển của thú hoang.
Kết quả là những vùng đất liền kề công viên hoang dã khó có thể là nơi trú ngụ của các loài động vật hoang dã. Đối với các loài động vật lớn cần di cư giữa các công viên theo mùa bằng cách đi qua những khu vực này để tìm thức ăn, nguồn nước và sinh sản thì thực trạng này rõ ràng là thảm họa.
Theo Tạp chí National Geographic (Mỹ), con người từ lâu đã sử dụng chất độc để săn mồi và tiêu diệt kẻ thù. Ở Đông Phi, cây acocanthera chứa một hợp chất mà chỉ cần một liều nhỏ cũng có thể hạ gục động vật to và chất độc này được sử dụng phổ biến trong nhiều thế kỷ. Gần đây, việc sử dụng hợp chất strychnine có độc tính cao để kiểm soát sâu bệnh được xem là chuyện bình thường đến nỗi ông George Adamson, một nhà bảo tồn nổi tiếng ở Kenya, dùng nó để "xử lý" những con linh cẩu bị xem là "phiền toái".
Noi thu hoang cho... chet
Một con sư tử đực thiệt mạng sau khi ăn xác bò bị người chăn nuôi ở Kenya tẩm thuốc trừ sâu Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC 
Chính quyền bó tay?
Sự ra đời của loại chất độc tổng hợp - như thuốc diệt côn trùng và thuốc diệt cỏ - dùng cho nông nghiệp càng làm tình hình thêm tồi tệ. Vào những năm 1980, khi dân số châu Phi bùng nổ và sự cạnh tranh về môi trường sống cũng như thực phẩm tăng mạnh, chủ sở hữu đất và những người chăn nuôi bắt đầu dùng thuốc trừ sâu để tiêu diệt động vật săn mồi (sư tử, báo, chó hoang, chó rừng), động vật ăn xác thối (linh cẩu, kền kền) và những loài tấn công cây trồng (voi, một số loài chim). Đáng nói hơn, có người thậm chí còn sử dụng các hợp chất gây chết người này để bắt vịt và các loài chim nước khác rồi đem bán chúng làm thực phẩm.
Chiến dịch đối phó nạn lạm dụng hóa chất độc hại bắt đầu khi Nature Kenya, Hội lịch sử tự nhiên Đông Phi, phát hiện nông dân sử dụng thuốc trừ sâu để giết sư tử ở miền Bắc Kenya. Bà Darcy Ogada, chuyên gia của Nature Kenya, tình nguyện tiến hành các cuộc khảo sát để đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề với sự hỗ trợ của nhà nghiên cứu Martin Odino.
Một trong những nơi được khảo sát là cánh đồng lúa Bunyala ở miền Tây Kenya. Trong chuyến làm việc đầu tiên tại Bunyala, ông Odino nhận thấy hầu hết các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông nghiệp nhỏ ở khu vực nông thôn đều bán thuốc trừ sâu Furadan 5G của Công ty FMC (Mỹ) cho bất kỳ khách hàng nào. Furadan 5G chứa hợp chất carbofuran, một loại chất độc thần kinh độc hại đến nỗi bị cấm hoặc hạn chế sử dụng nghiêm ngặt ở Canada, Liên minh châu Âu, Úc, Trung Quốc. Ngay tại Mỹ, hợp chất này bị cấm sử dụng trên cây trồng. Tuy nhiên, Kenya lại cho phép Tập đoàn Juanco, một nhà phân phối ở thủ đô Nairobi, nhập khẩu Furadan 5G.
Qua tìm hiểu, ông Odino ghi nhận bọn săn trộm đã sử dụng Furadan trên lúa để giết vịt và trên ốc sên để sát hại cò nhạn châu Phi. Hàng ngàn chim, vịt chết được bán cho người dân địa phương - những người tin rằng thịt nhiễm thuốc trừ sâu có thể vô hại nếu được chế biến đúng cách. Tuy nhiên, những người đàn ông ăn thịt chim nhiễm chất độc cho biết đầu gối họ bị yếu nhưng đến nay chưa có nghiên cứu nào được tiến hành.
Bà Paula Kahumbu, Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện WildlifeDirect và là một trong những nhà bảo tồn có sức ảnh hưởng nhất Kenya, thừa nhận ngay cả với những bằng chứng tìm được nói trên, rất khó thuyết phục chính phủ cấm sử dụng thứ hóa chất mà ngành nông nghiệp bùng nổ ở Kenya ngày càng phụ thuộc nhiều. "Họ không có lựa chọn thay thế nào rẻ và hiệu quả hơn" - bà Kahumbu giải thích.
Theo Người Lao Động