|
Cận cảnh "em bé" cá đuối hai đầu. |
Trong lúc kiểm tra cá đuối chửa trong bể thí nghiệm, nhà nghiên cứu người Úc Leonardo Guida phát hiện thấy một vật thể “có hình dạng kỳ quặc, màu nhờ nhờ trong nước”.
Vật thể đó hóa ra là một em bé cá đuối hai đầu nhưng đáng tiếc là đã chết. Đây là chú cá đuối hai đầu đầu tiên được phát hiện tại Australia và là một trong những mẫu nghiên cứu hiếm gặp nhất trên thế giới về những dị tật bẩm sinh của loài cá sấu và cá đuối.
Các khiếm khuyết phát sinh khi các ống thần kinh (như tủy sống) trong trứng thụ tinh duy nhất được nhân đôi, có thể là kết quả của một khiếm khuyết di truyền hoặc lý do không rõ ràng khác . Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi một phôi thai bắt đầu phân chia thành hai để tạo thành cặp song sinh, nhưng quá trình đó bị ngừng lại quá sớm trước khi hình thành hai cá thể riêng rẽ.
Theo Leonardo Guida, các nhà nghiên cứu chưa tìm ra nguyên nhân “tạo” ra chú cá đuối hai đầu này, “nhưng có thể là do vấn đề phát triển và không phải là hậu quả của hiện tượng đột biến di truyền. Ô nhiễm môi trường có thể là nguyên nhân, tuy nhiên, chúng tôi chưa kiểm tra để đưa ra kết luận được”.
Các nhà khoa học đã bắt những cá thể cá đuối (tên khoa học là Trygonorrhina dumerilii) trong chuyến lặn biển tại vịnh Swan, Port Phillip, phía nam Melbourne và mang về phòng thí nghiệm nghiên cứu. Vịnh Port Phillip gần đây bị nạo vét trên quy mô lớn để mở rộng các kênh vận chuyển. Hoạt động đó kết hợp với thói quen ăn sinh vật sống ở tận đáy đại dương của cá đuối có thể khiến cho cá đuối tiếp xúc với các chất ô nhiễm. Dù những tác động tiêu cực trên có gây ra các dị tật bẩm sinh hay không thì thực tế là những dị tật đó đã xuất hiện.
Mai Anh (theo Discovery)