Nằm ở ngoài khơi duyên hải vùng Tây Bắc Scotland, có một hòn đảo hình bầu dục nhỏ tên gọi là Gruinard. Mới nhìn, hòn đảo trông rất yên tĩnh và thanh bình. Thế nhưng ít ai biết được rằng, vào những năm 1940, hòn đảo này còn có tên gọi là hòn đảo chết chóc.
Năm 1942, chính phủ Anh muốn thử nghiệm vi khuẩn bệnh than để biến nó thành vũ khí sinh học trong cuộc chiến chống phe phát xít (gồm Đức, Italy, Nhật). Họ cần một nơi để thực hiện các thí nghiệm và đảo Gruinard được chọn vì nó không có người sinh sống.
Bệnh than là một trong những "vũ khí" nổi tiếng nhất trong các cuộc chiến tranh sinh học và là một trong những "vũ khí" đáng sợ nhất. Nạn nhân hít phải bào tử bệnh than sẽ có các triệu chứng giống cúm như sốt, ho, đau ngực, và thở dốc khi dịch tích tụ trong khoang ngực.
Tuy nhiên, không đơn giả như cúm, bệnh than gần như không thể điều trị. Khi nhiễm phải bệnh than, tình trạng bệnh nhân sẽ nhanh chóng xấu đi và có thể tử vong chỉ trong vòng 48 giờ. Trong suốt thời gian chờ chết, nạn nhân sẽ liên tục chịu đau đớn vì tiêu chảy, chảy máu nội tạng, đau bụng, nôn mửa. Tỷ lệ tử vong của nạn nhân mắc bệnh than lên tới 80%, ngay cả khi được điều trị y tế.
Mời quý vị xem video: Bí ẩn ngôi làng cấm cửa đàn ông
Vào năm 1942, các nhà nghiên cứu đưa khoảng 80 con cừu lên đảo Gruinard và ném về phía trong một quả bom chưa vi khuẩn bệnh than. Chẳng bao lâu sau, những con cừu chết sạch.
Tiếp đó, nhiều quả bom bệnh than được ném lên hòn đảo và chứng minh rằng, đây là một vũ khí sinh học cực kỳ nguy hiểm.
Thế nhưng, vào lúc này, các nhà khoa học cũng nhận thức được rằng, vi khuẩn bệnh than sẽ làm ô nhiễm đất đai và biến vùng đất mà nó xâm chiếm trở thành vùng đất chết. Đáng báo động hơn là không có cách nào khả thi để tẩy uế hoàn toàn đảo Gruinard.
Trong suốt gần 50 năm sau đó, không một ai dám bén mảng đến đảo Gruinard và nó được coi là hòn đảo tử thần hay hòn đảo chết chóc. Mãi đến năm 1986, một công ty của Anh đã đặt chân đến hòn đảo và đem theo 280 tấn formaldehyde phun phủ kín hòn đảo.
Để thử nghiệm xem hòn đảo đã được tẩy uế thành công hay chưa, một đàn cừu đã được thả trên đảo. May mắn thay, đàn cừu vẫn sống khá khỏe mạnh.
Cuối cùng, sau 4 năm được "ngâm" trong formaldehyde, đảo Gruinard được đánh giá là an toàn để con người đặt chân đến. Năm 1990, hòn đảo được bán lại cho người thừa kế của chủ sở hữu ban đầu với giá 500 bảng Anh.
Kiều Dụ (Theo AP)