Từ tận thế kỷ 16, loài chuột đã được dùng như một động vật thử nghiệm phổ biến nhất trong các nghiên cứu về di truyền học, tâm lý học, và y học.
Lí do mà các nhà khoa học "ưu ái" chuột hơn những loài động vật khác là do rất nhiều ưu điểm chúng sở hữu. Ví dụ như kích thước nhỏ, dễ nuôi, tốc độ sinh sản nhanh, khả năng học hỏi tốt... và đặc biệt là dễ lai tạo và chỉnh sửa gene.
|
Chuột dường như là loài vật được sinh ra cho khoa học. |
Với đa số các loài động vật - trong đó có con người, giao phối cận huyết là điều tuyệt đối nên tránh, vì nó gây nguy cơ xuất hiện những dị tật nghiêm trọng có thể gây chết con non từ khi còn trong bụng mẹ. Nhưng với chuột thí nghiệm thì không, chúng vẫn có thể tạo ra một đại gia đình sung túc chỉ với hai cá thể anh/em hay chị/em ban đầu.
Vì thế các nhà khoa học chỉ cần chọn hoặc lai được một vài cá thể chuột có đột biến gene mong muốn là đã có thể tạo ra cả một dòng chuột mới trong thời gian ngắn.
Vi dụ với chuột bạch - loại chuột thí nghiệm được ưa chuộng nhất - ban đầu chúng chỉ là một vài cá thể hiếm hoi mắc chứng bạch tạng trong quần thể chuột lông xám. Nhưng chính đặc điểm này cho thấy chúng sở hữu gene ở thể đồng hợp tử lặn, và điều đó giúp chúng ta dễ dàng xác định kiểu gene qua hình thái bên ngoài hơn.
Những cá thể bạch tạng ít ỏi sau này đã được cho nhân giống với nhau, để tạo nên nhiều dòng chuột bạch như chúng ta thấy ngày nay.
Khi những con chuột có giá cả triệu đồng
Qua thời gian, các dòng chuột thí nghiệm được tạo ra càng nhiều thêm, với những đột biến phù hợp cho các hướng nghiên cứu khác nhau. Chẳng hạn như chuột MRL có khả năng tái tạo mô được dùng cho các thí nghiệm về phục hồi và tái sinh vết thương; chuột NOD dễ mắc bệnh tiểu đường type 1 dùng như mô hình nghiên cứu về chứng bệnh này; hay chuột SCID hòan toàn không có hệ thống miễn dịch, dùng để cấy ghép mô và khối u...
|
Tùy dòng chuột mà chúng có thể mang mức giá khủng khiếp. |
Và như một lẽ thường tình, những dòng chuột khác nhau sẽ có giá trị khác nhau.
Với những con chuột bạch dùng trong các thí nghiệm thông thường, giá chỉ dao động từ vài chục ngàn cho tới vài trăm ngàn. Nhưng giả dụ đó là một con chuột MRL 3 tuần tuổi, mức giá có thể vọt lên đến gần 100 đô (khoảng 2 triệu đồng).
Giá cao nhất trong họ chuột thí nghiệm có lẽ phải kể đến các dòng được tạo bởi công nghệ chỉnh sửa gene. Nguyên do là vì chúng có thể nhanh chóng được tạo ra theo đơn đặt hàng và mang các đột biến cực hiếm mà việc lai tạo thông thường khó sánh được.
Theo Công nghệ Sinh học SAGE Labs (Hoa Kỳ) - nơi chuyên sản xuất các dòng chuột biến đổi gene - thì giá trung bình của một con chuột biến đổi gene là hơn 445 đô (khoảng 10 triệu đồng).
|
Chú chuột trông nhỏ bé, nhưng giá trị của chú thì có thể không hề nhỏ. |
Thậm chí, có những con được biến đổi theo yêu cầu riêng của khách hàng (dĩ nhiên là vẫn trong phạm vi cho phép), thì giá trị rơi vào khoảng... 95.000 đô (hơn 2 tỉ đồng).
Số tiền này tương đương với mức giá của một số dòng xe hơi hạng trung, và nếu quy đổi theo vàng thì chúng còn đắt hơn số vàng có cùng khối lượng.
Tuy nhiên dù có thể được định giá "khủng khiếp" đến thế nào, chúng ta cũng cần công nhận rằng giá trị thật của mỗi chú chuột thí nghiệm có thể là không gì so sánh được.
Bởi những đóng góp của chúng cho sự phát triển của khoa học nói chung, và cho các phương thuốc giúp cứu chữa hàng triệu người trên thế giới nói riêng hẳn là vô giá.
Theo helino