Nấm hình… của quý
Trong lần vào bản Phìn Sư (xã Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang) của người Cờ Lao, tôi được thầy cúng Min Phà Sinh, người Cờ Lao mời uống một thứ nước lạ. Thứ nước ấy có màu đen thẫm, vị hơi chát.
Uống xong bát nước, một cảm giác khá lạ xảy ra: Sự rã rời của cơ thể sau hành trình đánh vật dài đằng đẵng với cung đường dốc ngược như đường lên trời, dường như tan biến đâu mất. Từng dùng nhiều loại thảo dược quý, song tôi phải công nhận, thứ thảo dược này rất lạ. Tôi bày tỏ ý muốn được xem thứ thảo dược lạ ấy và sau này được biết là nấm ngọc cẩu.
|
Lương y Thanh trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. |
Thầy cúng Min Phà Sinh gọi vợ, nói mấy câu Cờ Lao, nghe hệt tiếng Tàu, thì cô vợ đi ra phía trái nhà. Lát sau, vợ Min Phà Sinh mang đến một sâu thứ thảo dược lạ đã hun khói khô đét. Cả củ và thân nấm, trông chả khác gì nguyên cụm… của quý. Hai “viên ngọc” bám lủng lẳng hai bên, và nảy nòi từ giữa hai “viên ngọc” đó là “cái cột có mũ”. Tôi trộm nghĩ, củ nấm này đem về xuôi, chị em nhìn thấy, chắc cũng phải đỏ mặt.
Min Phà Sinh năm nay 54 tuổi, đã có chắt nội, chắt ngoại, tức lên chức cụ, mà trông khá trẻ. Vợ Sinh cũng đã 55 tuổi, mà má vẫn hồng, tóc vẫn đen, răng vẫn chắc. Theo thầy cúng Sinh, để giữ được thể trạng sung mãn, trẻ trung ấy, Min Phà Sinh tiết lộ, là do loài nấm có bộ dạng kỳ dị như của quý đàn ông.
Thầy cúng Sinh không biết tên phổ thông của loài nấm này là gì, chỉ biết rằng, từ đời cha ông, tổ tiên đã dùng như nước uống hàng ngày, nên đời sau cứ thế vào rừng hái. Theo Min Phà Sinh, người Cờ Lao có nguồn gốc từ Trung Quốc, di cư từ phía bên kia dãy Tây Côn Lĩnh sang bên này, thuộc đất Việt Nam mới khoảng 8 đời, tức cách nay chừng 150 đến 200 năm. Tổ tiên, họ hàng Min Phà Sinh ở bên Trung Quốc vẫn còn nhiều, nên vẫn đi về. Cây nấm kỳ lạ này chính là thức uống bí truyền, thập toàn đại bổ.
Tôi hỏi Min Phà Sinh rằng, tác dụng chính của củ nấm ngọc cẩu quái dị này là gì, thì thầy cúng Sinh không trả lời ngay, mà kể một huyền thoại vừa có tính bi, hài, và hơi tục một chút. Huyền thoại này là của người Cờ Lao sống ở bên Trung Quốc kể.
Chuyện rằng, xưa kia, dãy núi Tây Côn Lĩnh cao đến tận trời, nên người trên trời và người hạ giới vẫn giao lưu với nhau. Các chàng trai Cờ Lao rất đẹp và khỏe, nên tiên nữ trên trời rất yêu quý, thường xuống hạ giới để tư tình.
Hàng ngày, các thanh niên Cờ Lao không chịu lao động, bỏ bê cả gia đình, vợ con để yêu đương với các tiên nữ. Một ngày, đang yêu đương các tiên nữ, anh chàng Chảo Mìn Sư chợt nhận ra, hành động sống như thế này không ổn, sẽ làm tan nát gia đình, thui chột nòi giống, nên Chảo Mìn Sư đã dùng dao cắt phăng của quý, ném xuống đất, để không còn đầu óc tơ tưởng đến các tiên nữ nữa.
|
Lương y Thanh và cây nấm ngọc cẩu. |
Các trai bản Cờ Lao bị tiên nữ hớp hồn cũng chợt tỉnh, dùng dao cắt của quý bỏ đi như Chảo Mìn Sư. Của quý cắt đi rồi, họ không còn bị tiên nữ quyến rũ nữa. Các nàng tiên nhìn cảnh ấy thì đau lòng, tiếc nuối lắm. Để của quý không hỏng, các nàng tiên đã biến chúng thành loài nấm.
Điều đặc biệt, là loài nấm kỳ dị đó ẩn trong lòng đất, chỉ đến tháng 9 và tháng 10 mới trồi lên khỏi mặt đất. Từ đó, cứ đến tháng 9 và tháng 10, các nàng tiên lại xuống Tây Côn Lĩnh hái củ nấm hình của quý mang về trời. Ăn thứ nấm ấy, các nàng tiên sống đến ngàn tuổi, cứ đẹp mãi, trẻ mãi.
Đàn bà Cờ Lao biết được bí quyết ấy, cũng hái nấm về ăn, để được trẻ mãi không già. Đàn ông Cờ Lao đem nấm ấy về nấu uống, cũng thấy khỏe mạnh, cường tráng, “yêu” vợ không biết mệt mỏi.
Tôi hỏi Min Phà Sinh, rằng, liệu loài nấm kỳ dị này có thực sự tăng cường sinh lực hay không? Thầy cúng Sinh cười tủm tỉm bảo: “Cứ hỏi vợ mình thì biết?”. Tôi quay sang hỏi vợ thầy cúng Sinh, chị bụm miệng cười, đỏ mặt quay đi. Sinh bảo thêm: “Đàn bà uống thứ nấm này vào, không chỉ xinh đẹp, trẻ mãi, mà còn hồi xuân đủ thứ, lấy được mấy chồng liền đấy nhé”.
Đi tìm nấm quý trên “nóc nhà đông bắc”
Sau khi uống nước sắc từ loại nấm có hình thù kỳ lạ, tôi chụp lại tấm hình củ nấm, gửi cho lương y Phạm Văn Thanh. Nhìn thấy hình ảnh củ nấm, lương y Thanh bảo tôi ở lại Hoàng Su Phì (Hà Giang), rồi ngay trong đêm, anh lái xe chạy thẳng từ Lào Cai sang.
Lương y Phạm Văn Thanh nổi tiếng với bài thuốc trị viêm loét dạ dày, đại tràng và cũng nổi tiếng là vị lương y lăn lộn núi rừng, sưu tầm các loại cây thuốc quý. Hễ nghe tin ở đâu có cây thuốc gì, dù đường xa vạn dặm, anh cũng tìm đến để nghiên cứu, tầm sư học đạo. Gặp tôi ở thị trấn Hoàng Su Phì, không kịp nghỉ ngơi, anh đòi trèo ngay lên bản Phìn Sư nằm mãi gần đỉnh Tây Côn Lĩnh (xã Túng Sán, Hoàng Su Phì) của người Cờ Lao, để được tận mắt loài nấm kỳ lạ kia.
|
Nấm ngọc cẩu có hình dạng ‘nhạy cảm’. |
Sau cả ngày đánh vật với xe máy, rồi cuốc bộ, chúng tôi cũng có mặt ở sườn núi Tây Côn Lĩnh, nơi người Cờ Lao ở, dân tộc chỉ có vài ngàn người. Thế nhưng, thầy cúng Min Phà Sinh lại vắng nhà. Tối hôm trước, một gia đình người Dao ở mãi huyện Vị Xuyên sang rước ông đi cúng, phải mấy ngày sau mới về. Vợ Min Phà Sinh dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, rồi bảo cứ lội dọc con suối, đi bộ chừng 2 tiếng, thì sẽ thấy một khu vực rừng già, toàn những cây dẻ rêu mốc, to hai ba người ôm.
Theo lương y Thanh, loài nấm này chưa được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, cũng chưa có nhiều thông tin, tuy nhiên, một số thầy lang người Dao đỏ sống trên đỉnh Tả Phời cao 1.800m trên dãy Hoàng Liên Sơn đã dùng từ nhiều năm nay. Người Dao đỏ dùng củ nấm này để chữa hậu sản. Những phụ nữ sau khi sinh, sức khỏe suy kiệt, chỉ cần dùng củ nấm này sắc nước uống vài lần là khỏe như thường, lại leo núi, lên nương phăm phăm.
Theo các lang y người Dao, ngoài việc tăng cường sức khỏe, thì củ nấm còn làm mất cả nám da, tàn nhang, tiêu u lành. Lương y Phạm Văn Thanh đã từng đem củ nấm này đi phân tích hoạt chất mới biết rằng, củ nấm có tác dụng mạnh trong tăng cường nội tiết tố estrogen. Nội tiết tố chính là “nhựa sống” giúp duy trì sức sống cho chị em phụ nữ. Phụ nữ lớn tuổi, hàm lượng nội tiết tố được sinh ra càng ít đi, vì thế, bệnh tật sinh ra, và đặc biệt là ham muốn chuyện vợ chồng cũng giảm.
Theo lương y Thanh, không chỉ phụ nữ, với đàn ông, loài nấm này chính là thần dược. Loài nấm này có tác dụng bổ dương cực mạnh. Thậm chí, nhiều ông hỏng hẳn chức năng sinh lý, sử dụng nấm này bồi bổ, vẫn có thể trở lại cường tráng như xưa. Chính vì lẽ đó, ngoài cái tên gọi như của quý loài chó, tức ngọc cẩu, thì người Dao đỏ ở núi Tả Phời trên đỉnh Hoàng Liên Sơn còn gọi vui là nấm “tan cửa nát nhà”.
Người Dao giải thích rằng, nếu phụ nữ dùng nấm này, sinh lý sẽ tăng mạnh, nên nếu chồng không đáp ứng được, dễ dẫn đến ngoại tình. Đàn ông dùng nấm này thường xuyên, thì dễ dàng năm thê bảy thiếp, mà dẫn đến nát cửa tan nhà. Chính vì lẽ đó, người Dao thường chỉ sử dụng nấm trong những hoàn cảnh sinh lý yếu, suy nhược cơ thể, chứ không dùng như đồ uống chơi hàng ngày.
Theo lương y Phạm Văn Thanh, vì người Dao gọi tên loài nấm này khá nhạy cảm, nên anh chuyển thể sang chữ Hán - Việt, gọi là nấm ngọc cẩu, tức là có hình dáng của quý của loài chó. Loài nấm này thường mọc vào mùa mưa và bắt đầu từ tháng 9 thì thân to bằng ngón chân cái, hoặc cổ tay, là lúc thu hoạch được. Đến hết tháng 10, thì củ nấm ngọc cẩu lụi tàn, biến mất trên mặt đất, và sang năm, thì lại mọc lên.
Trước đây, thứ nấm này có mặt khá phổ biến ở núi Hoàng Liên Sơn. Khoảng 20 năm trước, chỉ đi dọc con suối trên đỉnh Tả Phời chừng buổi sáng, là nhổ được cả chục kg nấm ngọc cẩu, nhưng bây giờ, có khi đi cả ngày chẳng lấy được cây nấm ngọc cẩu nào. Người Trung Quốc đã thu mua cạn kiệt.
|
Có nhiều loại nấm ngọc cẩu, nhưng loại tốt nhất thì chỉ những thầy lang nhiều kinh nghiệm mới biết được. |
Lương y Phạm Văn Thanh sử dụng nấm ngọc cẩu trong các bài thuốc hồi xuân cho phụ nữ, tăng cường sinh lực cho đàn ông mang lại hiệu quả rất cao. Mấy năm trước, một doanh nghiệp dược ở Hà Nội thu mua nấm từ lương y Thanh để bào chế thuốc tăng cường sinh lý cho đàn ông và thuốc hồi xuân cho phụ nữ.
Theo anh Thanh, trong các bài thuốc sắc, phải sử dụng nấm ngọc cẩu là thành phần chính, hoặc chỉ cần sắc ngọc cẩu với nước rồi uống trực tiếp là tốt nhất. Đàn ông sinh lý yếu, ngoài việc sắc uống, có thể chế biến với các món ngọc dê, ngọc cẩu, ngọc kê, ngọc bò…
Đang miên man với những câu chuyện thần kỳ về loài nấm “tan cửa nát nhà”, thì cánh rừng dẻ hiện ra, với những cây dẻ khổng lồ, gốc 3-4 người ôm, thân cành rêu mốc. Vạch một bụi cỏ, lương y Phạm Văn Thanh sững người reo lên: “Trời ạ! Cả một thế giới của nấm ngọc cẩu…”. Loài nấm đầy màu sắc quyến rũ này ẩn mình trong bóng tối, dưới những lùm cỏ, hốc đá, gốc cây mục.
Những củ nấm non màu đỏ tươi, trông không khác gì “dái mít” mọc ngược, trồi lên khỏi mặt đất thành cụm. Lúc chúng mới nhú, hình thù chả khác gì của quý đàn ông. Những củ nấm già hơn thì mọc hoa màu trắng và trước khi kết thúc vòng đời, chúng như bắp ngô thu nhỏ.
Theo lương y Thanh, những củ nấm càng to, càng già, thì càng tốt. Anh dùng con dao đi rừng chuyên nghiệp vét đất xung quanh, nhẹ nhàng đào từng bụi nấm, bỏ vào ba lô. Mỗi bụi nấm anh đều để lại 1-2 nhánh, để chúng tiếp tục ra hoa, tạo hạt, rồi những cái hạt đó chìm vào lòng đất. Năm sau, khi mùa mưa đến, những hạt nấm vỡ vỏ, nảy mầm, rồi như những “của quý” lại hùng dũng trồi lên từ lòng đất.
Chúng tôi cuốc bộ miên man trong đại ngàn Tây Côn Lĩnh, dưới tán rừng hạt dẻ không có dấu chân người, đẹp như trong những cuốn truyện cổ tích. Vô số loài thảo dược cực quý tràn ngập trong đại ngàn hoang thẳm chưa được khai thác, bảo tồn.
Chúng tôi trở về bản Phìn Sư của người Cờ Lao với ba lô, với bao tải vắt vẻo loài nấm quý trên lưng, trên vai. Với bao tải, ba lô đầy nấm, lương y Phạm Văn Thanh bào chế được cả ngàn thang thuốc quý. Anh tập hợp một số người Cờ Lao giỏi đi rừng, dạy họ cách khai thác bền vững loài nấm quý, rồi mới rời dãy Tây Côn Lĩnh mờ sương. Anh cũng hướng dẫn họ cách khai thác hạt, để anh gieo trồng trên dãy Hoàng Liên Sơn.
Vị lương y ham mê rừng rú có thêm nguồn dược liệu quý, còn đồng bào Cờ Lao nghèo sống heo hút trên nóc nhà đông bắc Việt Nam có thêm việc làm, thu nhập.
Theo Nguyệt Anh (VTC)