Bao năm đã qua nhưng khi nghe ai đó nhắc đến java, ông Điểu K’Giang (70 tuổi), người dân tộc S’Tiêng, một đời cư ngụ ngay ngoài bìa rừng Cát Lộc, phía bắc Vườn Quốc gia Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), nói ngay: “Nó (con tê giác) bị bắn chết lâu rồi mà!”. Rồi ông ôm ngực, đau đớn rụng rời như mất một người thân.
Người giữ ký ức…
Không cần phải để chúng tôi nói gì thêm, ông bạn già năm xưa bây giờ gặp lại vẫn đoán được ý đồ của tôi hôm nay khi trở về vùng rừng già Cát Lộc, nơi tổ tiên của cộng đồng S’Tiêng Nam Tây Nguyên hiền lành, cũng là “thánh địa” của loài tê giác java một thời dạo bước là để nghe lại câu chuyện về
tê giác 1 sừng java.
|
Ông Điểu K’Giang rưng rưng khi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện gắn bó với con tê giác java cuối cùng.
|
Hồi con tê giác java một sừng cuối cùng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên chết, nhà chức trách lặng lẽ tuyên bố nguyên nhân con Pai ro mhai (tiếng người địa phương dùng để gọi tê giác) là do già yếu, chết tự nhiên, các nhà khoa học của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) thì ồn ào, tỏ hoài nghi, đòi phải kiểm chứng, khám nghiệm bộ xương thì ông Điểu K’Giang quả quyết: “Nó chết do bị bắn chứ không thể là nguyên nhân khác”, dù lúc này Điểu K’Giang chưa được tới hiện trường.
Sở dĩ ông tin vào cảm nhận độc lập, chủ quan của mình vì ở vùng rừng núi này, không ai biết rõ con tê giác cuối cùng ở Việt Nam bằng ông.
Đôi chân khỏe mạnh, bước đi oai vệ sừng sững uy lực của một dòng dõi động vật mà cách đó vài tháng, K’Giang vẫn còn bắt gặp là căn cứ vững chắc để ông khẳng định con tê giác cuối cùng này chết không thể do già yếu.
|
Ông Điểu K’Giang chỉ bụi lồ ô, nơi con tê giác thường về kiếm ăn.
|
Ngay cả các chuyên gia của WWF, khi hay tin vùng Cát Lộc xuất hiện tê giác java một sừng cực kỳ quý hiếm, một loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vĩnh viễn trên địa cầu này, trong lúc điều tra, thống kê để lập hồ sơ bảo tồn, họ cũng phải tìm tới tận căn chòi làm bằng cây lồ ô sập sệ để nhờ Điểu K’Giang dẫn đường, chỉ lối kia mà!..
Dù chưa một lần được phát biểu chính thức về mặt học thuật tại các diễn đàn về loài tê giác java ở Cát Lộc nhưng khó có ai hiểu và biết rõ về con tê giác này nhiều bằng Điểu K’Giang. Trong cánh rừng già Cát Lộc (ngày này trực thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên) rộng hàng chục nghìn hecta, K’Giang biết rõ con tê giác thường hay xuất hiện ở đâu, nó ăn đọt mây, măng tre chỗ nào, mùa nào!...bao giờ thì về vùng Bàu Chim tắm bùn và liếm đất tìm chất khoáng!..
|
Vùng sình lầy Bàu Chim con tê giác thường hay về tắm bùn và ăn chất khoáng
|
Nó gắn bó với ông đến nỗi, một chiều cuối tháng 4/2010, ngày người ta loan tin phát hiện ra con tê giác đã “dừng bước” bên một dòng suối nhỏ trong rừng sâu, đứa cháu của Điểu K’Giang chạy qua căn chòi lợp lá hốt hoảng thét vọng vào: “Con Pai ro mhai của chú Ba (tên thường gọi của Điểu K’Giang) chết rồi”. Như thế là quá đủ để thấy được sự gắn bó mật thiết giữa Điểu K’Giang và con tê giác đơn độc cuối cùng này.
Không rõ từ khi nào, cộng đồng người S’Tiêng ở Nam Tây Nguyên đã coi con tê giác java còn lại duy nhất ở Việt Nam là riêng của Điểu K’Giang, xem đó là điều hiển nhiên.
Mời quý vị xem video: Những động vật sơ sinh đáng yêu nhất
Nỗ lực bảo tồn tê giác java thất bại
Trước những năm 1980 của thế kỷ 20, người ta từng tuyên bố loài tê giác đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Lúc này Điểu K’Giang khẳng định, tê giác java vẫn còn sống ở rừng già Cát Lộc. Thế nhưng, những phát biểu của lão nông không địa vị này hầu như không mấy ai bận tâm. Mặc kệ, chỉ cần mình ông biết, tê giác vẫn còn sống ở vùng rừng Cát Lộc, quê ông là đủ!..
Sau đó, vào năm 1988 người ta “bất ngờ” phát hiện một con tê giác đã trưởng thành bị bắn chết ở vùng Cát Lộc này thì một số người mới sực nhớ tới tuyên bố của Điểu K’Giang. Trong khi nhà chức trách xem phát hiện này là một niềm vui, vì điều đó chứng minh tê giác java một sừng ở Cát Lộc vẫn còn thì Điểu K’Giang xem đây là điều hết sức tồi tệ. Một sự phát hiện dựa trên cái chết do hành động tội ác gây ra đối với loài động vật hoang dã trên đà tuyệt chủng vĩnh viễn này là điều tối kỵ ở Điểu K’Giang.
|
Bộ xương con tê giác cuối cùng đang được trưng bày tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.
|
Một số cán bộ thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, rồi những nhà động vật học ngoài Hà Nội cũng bay vào tìm tới đặt vấn đề nhờ Điểu K’Giang “chỉ điểm”. Tin Cát Lộc vẫn còn tê giác java một sừng nhanh chóng loan khắp thế giới gây chấn động các nhà động vật học. Từng đoàn chuyên gia thuộc nhiều tổ chức trên thế giới, trong đó có WWF, đổ về vùng đất của người S’Tiêng để “kiểm chứng”.
Sau khi có đủ căn cứ để kết luận tê giác java một sừng tại Việt Nam chưa tuyệt chủng, một khu bảo tồn loài động vật đặc biệt này ở Việt Nam nhanh chóng được triển khai ở Cát Lộc trong nỗ lực cứu vớt cuối cùng của các nhà khoa học. Đương nhiên, lúc này tiếng nói của Điểu K’Giang có trọng lượng hơn. Ông thường xuyên được mời tham gia các cuộc điều tra về loài tê giác với vai trò là người dẫn đường. Thậm chí, ông còn được các chuyên gia của WWF tin tưởng giao cho những chiếc máy ảnh tự động để đặt bẫy, chụp ảnh tê giác, ngay khi cả vào ban đêm.
|
Con tê giác java tại Cát Lộc được các chuyên gia chụp bằng bẫy ảnh tự động trước lúc tuyệt chủng.
|
Trong một nỗ lực bảo tồn loài tê giác đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng vì nạn săn bắn trộm để lấy sừng, năm 1989, các nhà động vật học trong nước và quốc tế đã công bố, ở Cát Lộc, loài tê giác java một sừng còn khoảng từ 10-15 con. Thế nhưng, năm 2010, con tê giác cái đơn độc từng có thời dạo bước trong những cánh rừng rậm nhiều dốc ở Cát Lộc bị những tay săn trộm bắn hạ. Nỗ lực cuối cùng để bảo tồn loài tê giác đặc biệt quý hiếm thất bại. Việt Nam chính thức tuyệt chủng tê giác java một sừng, các chuyên gia của WWF thất vọng, Điểu K’Giang đau đớn…
(Còn tiếp)
Vũ Sơn