Tiêm thuốc độc vào sừng bảo vệ tê giác

Google News

(Kiến Thức) - Ý tưởng tiêm thuốc độc vào sừng để bảo vệ tê giác của TS Lorinda trong dự án Giải cứu tê giác nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của dư luận.

Ý tưởng tiêm thuốc độc vào sừng để bảo vệ tê giác của TS Lorinda trong dự án Giải cứu tê giác nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của dư luận. Đây là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn nạn buôn bán, sử dụng sừng tê giác dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng loài động vật này.
Độc tố bảo vệ tê giác
Từ năm 2010, TS Lorinda (Dự án Giải Cứu Tê Giác) đã ra một giải pháp hiệu quả, tiết kiệm và lâu dài để bảo vệ tê giác tại Nam Phi và bất cứ đâu có nạn săn bắt trộm. Chương trình bảo tồn toàn diện này tập trung chính vào việc làm giảm giá trị của sừng tê giác trên khía cạnh thương mại. TS Lorinda và tổ chức cứu hộ tê giác thực hiện giải pháp này bằng cách tiêm vào sừng tê giác một loại độc tố, chất này an toàn cho động vật, đồng thời cũng tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ chúng như gắn vi mạch theo dõi, lấy và lưu giữ mẫu DNA. Chất độc này không gây hại cho tê giác nhưng gây hại cho con người. 
Để làm giảm giá trị sử dụng của sừng tê giác, nhóm nghiên cứu dự án tiêm vào sừng một hợp chất gồm ectoparasiticides, thuốc nhuộm không phai màu để làm nhiễm độc và làm bẩn sừng, khiến nó không còn hữu dụng cho việc chữa bệnh cũng như trang trí. Một mẫu ADN được lấy ra và ba vi mạch nhận dạng được cấy vào sừng và cơ thể của tê giác. TS Lorinda cùng các nhà khoa học trong dự án đã làm việc không ngừng để cải tiến hợp chất hóa học được tiêm vào sừng tê giác nhằm đảm bảo hợp chất được tuyển chọn này sẽ ngấm sâu vào toàn bộ sừng và sẽ giúp ích nhiều nhất trong việc làm mất giá trị sử dụng của sừng. 
Quy trình tiêm độc được cải tiến mới nhất được dựa trên áp suất cực cao và van một chiều được thiết kế riêng, giúp ngăn các chất lỏng thoát ra các lỗ khoan nhỏ, sau 10 - 15 phút là quá trình tiêm độc hoàn tất. Thêm vào đó, van một chiều còn giúp giữ chất lỏng trong sừng dưới khoảng 30 ống lực trong suốt khoảng 10 ngày, để đảm bảo rằng chất lỏng sẽ ngấm sâu và lan tỏa rộng trong cấu trúc sừng. Sừng tê giác có cấu trúc dạng ống nên dễ dàng tiêm dưới áp lực cao. Giải pháp này tác động đến sừng sẽ duy trì hiệu quả trong khoảng 3 - 4 năm (một chu kỳ phát triển đầy đủ của sừng), sau đó quy trình này sẽ được lặp lại. 
Tiem thuoc doc vao sung bao ve te giac
 Ảnh minh họa.
Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc
Theo nhóm nghiên cứu dự án, trên hạng mục đăng ký sử dụng, chất ectoparasiticides không dành cho mục đích sử dụng của con người vì sự độc hại. Mặc dù không gây chết người với một lượng nhỏ, nhưng nếu tình cờ nuốt phải chất độc này, người dùng có thể bắt gặp những triệu chứng cụ thể bao gồm: Buồn nôn nặng, nôn mửa, co giật (tùy thuộc liều lượng sử dụng) và có thể có những triệu chứng khác. Cũng giống như các sản phẩm đã đăng ký không dành cho con người sử dụng khác, những nguy cơ sẽ tăng tùy theo liều lượng hoặc hoàn toàn tùy thuộc vào việc độc tố phản ứng với cơ thể từng người riêng, đặc biệt với người đang điều trị bệnh sử dụng một số loại thuốc, có thể sẽ rất nguy hiểm, bao gồm cả tử vong. 
Còn đối với tê giác, việc tiêm độc vào sừng này không gây tác dụng phụ đối với sức khoẻ và những hoạt động hằng ngày của tê giác. Việc lựa chọn acaricides để đưa vào hợp chất tiêm được nghiên cứu rất cẩn thận và chỉ có những sản phẩm thân thiện với động vật được chọn  để đảm bảo không có hoặc rất ít gây ảnh hưởng xấu nhất đến những động vật và sinh vật đang cùng chia sẻ môi trường sống với loài tê giác. Những sản phẩm được sử dụng đều tự phân hủy sinh học và thân thiện môi trường, nên sẽ không có những ảnh hưởng đến môi trường.  
Cho đến nay, dù có nhiều cảnh báo đưa ra nhưng sừng tê giác vẫn được sử dụng như một vị thuốc quý. Điều này do nhận thức của người dân còn hạn hẹp. TS Arne Schiotz thuộc Tổ chức Cứu trợ động vật hoang dã (WWF) khẳng định, sừng tê giác không có tác dụng với bất cứ ai ngoại trừ người chủ ban đầu của những chiếc sừng đó. Bạn cũng chỉ có những hiệu quả tương tự với việc nhai chính móng tay của mình.
Theo các chuyên gia, khi các bằng chứng khoa học khẳng định sừng tê giác không chỉ là vô giá trị, mà còn gây nguy hiểm cao, nhiều nguy cơ gây bệnh đối với sức khoẻ con người thì chắc chắn nhiều người phải cân nhắc khi dùng chúng.
Bảo Khánh