Thí nghiệm tìm kiếm bằng chứng cho thấy con người có thần giao cách cảm do Đại học Havard phối hợp cùng tổ chức nghiên cứu Tây Ban Nha Starlab và công ty phát triển
robot Axilum tiến hành. Cụ thể, tại một cơ sở nghiên cứu ở thành phố Kerala của Ấn Độ, một trong hai người thử nghiệm là tiến sĩ Alejandro Riera đội một chiếc mũ có chú thích điện não đồ điện tử (EEG), được kết nối với một chiếc
laptop và bắt đầu suy nghĩ.
Cách đó khoảng 7.400km, tiến sĩ Michel Berg cũng được bịt mắt và đeo nút tai (loại bỏ tiếng ồn), được kết nối với một chiếc máy tính diễn dịch thông điệp nhị phân thành các xung điện truyền vào thùy chẩm của bộ não, vùng quản lý thị giác. Ông ngồi trong một phòng thí nghiệm công nghệ cao ở Đại học Strasbourg, đông bắc Pháp để bắt đầu suy nghĩ.
|
Thí nghiệm là bằng chứng khoa học đầu tiên ghi nhận về cuộc trò chuyện bằng thần giao cách cảm trong lịch sử loài người. |
Tiến sĩ Riera phải tập trung cao độ mất 30 phút tạo ra thông điệp đơn giản "hola" và "ciao" (xin chào) gửi tới Pháp. Trong quá trình đó, tiến sĩ Riera mường tượng ông đang tạo ra hàng loạt cử động, hình thành xung điện truyền tới mũ EEG. Máy tính chuyên dụng sẽ chuyển dịch xung điện và tạo thành mã số hóa nhị phân, tạo lập ký tự đại diện cho những chữ cái Riera muốn tạo ra.
Trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, tiến sĩ Riera và tiến sĩ Berg đã có thể gửi thông điệp chào hỏi cho nhau thông qua ý nghĩ. Thông điệp truyền tải được cho là có độ chính xác 90 - 95%.
Kết quả thí nghiệm cho thấy hai nhà nghiên cứu có thể truyền tải một thông điệp đơn giản cho đối tượng chỉ bằng sức mạnh của ý nghĩ. Đây là bằng chứng khoa học đầu tiên ghi nhận về cuộc trò chuyện bằng thần giao cách cảm trong lịch sử loài người.
Dù việc truyền tải ý nghĩ mới chỉ đạt được mức độ 4 chữ cái trong 60 phút, nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng cho những thí nghiệm với các cuộc trò chuyện phức tạp hơn. Tiến sĩ Berg cho rằng, con người có thể phải mất khoảng 20 năm nữa để phát triển các ứng dụng thiết thực từ kỹ thuật này.
Duy Huệ (theo DM)