“Vương quốc” vượn đen lớn nhất Đông Nam Á

Google News

(Kiến Thức) - Lần đầu tiên ở Việt Nam, các chuyên gia thuộc Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) phát hiện "vương quốc" vượn đen tuyền - loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới ở rừng Tây Bắc.

Và cũng thật tự hào cùng những trách nhiệm nặng nề khi Việt Nam có được số lượng vượn đen tuyền lớn nhất Đông Nam Á quy tụ trong một cánh rừng già thuộc khu bảo tồn Mù Cang Chải (Yên Bái) và Mường La (Sơn La).

Vượn đen tuyền (con cái màu vàng), con đực màu đen tuyền. 

Tiếng hú trong cánh rừng già

Phải nói rằng loài vượn đen tuyền thuộc hàng linh trưởng quý hiếm chỉ còn một số rất ít sót lại trên thế giới. Theo báo cáo sơ bộ của Tổ chức FFI, chỉ còn khoảng 1.500 cá thể vượn đen tuyền, chúng phân bố rải rác ở các nước Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam may mắn là nơi cư ngụ của nhiều cá thể vượn đen nhất Đông Nam Á.

"Cho nên những tiếng hú trong cánh rừng già Tây Bắc là "điểm báo" cho sự tồn tại và phát triển của loài vượn đen tuyền mà bao nhiêu năm qua, khắp cả nước không ai được biết. Nhiều chuyên gia một thời từng nhầm lẫn giữa vượn đen tuyền với những loài vượn đen thông thường khác. Ngay cả dân bản, những người sống với rừng cũng chẳng biết đó là loài vượn gì. Tiếng hú của chúng là "linh hồn" của rừng già, nếu ai may mắn được nghe tiếng hú ấy mới có thể cảm nhận được hết những kỳ thú của thiên nhiên", ông Sòi Ngọc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La hào hứng cho biết như vậy.

Báo cáo khảo sát thực nghiệm của Tổ chức FFI cho thấy, cả Việt Nam mới chỉ phát hiện vượn đen tuyền ở Sơn La và Yên Bái. Đó là khu bảo tồn Mù Cang Chải với những cánh rừng rộng bao la tiếp giáp với rừng phòng hộ của Mường La (Sơn La) đã tạo cho loài vượn đen tuyền một "vương quốc" riêng biệt để có thể sống và tồn tại.

Ông Quàng Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ tuần tra bảo vệ rừng thuộc xã Ngọc Chiến (Mường La) là người gắn bó với rừng phòng hộ từ khi còn trẻ, ông cũng là người tâm huyết trong việc khảo sát và bảo vệ vượn đen tuyền trước nguy cơ tuyệt chủng: "Ngày xưa, khi rừng chưa bị tàn phá, ngoài các loại thú như hổ, báo, nai, hoẵng, gấu thì những con vượn đen luôn là bí ẩn với dân bản. Khi ấy, vượn còn nhiều nhưng chúng không bao giờ dám sống gần con người. Biết trong rừng có bao nhiêu con, phân biệt giới tính thế nào thì chỉ đoán qua tiếng hú của chúng. Có những năm, tôi đếm được đến vài trăm con chứ không ít. Nhưng bây giờ, để nghe được tiếng của chúng là điều rất khó".

Đoàn thám hiểm thuộc Tổ chức FFI tham gia khảo sát về vượn đen tuyền
tại Mường La, Sơn La. 

"Vàng đen" Tây Bắc

Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế FFI cũng từng nhận định loài vượn đen tuyền là "của trời cho" vùng Tây Bắc. Còn ông Sòi Ngọc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La lại cho rằng, đó là "vàng đen" của Việt Nam. Những báo cáo khảo sát của FFI nhận định, hiện nay chỉ tính riêng Mù Cang Chải và Mường La thì số lượng vượn đen tuyền lên tới 20 đàn với ít nhất 59 cá thể.

Đó là số liệu khảo sát sơ bộ, chứ thực chất theo các thành viên trong nhóm Tuần tra bảo vệ rừng và người dân huyện Mường La, số lượng vượn đen tuyền phải lên tới hàng trăm con chứ không ít hơn. Bởi nhiều cá thể vượn đã tách đàn ở khu vực Háng Si - một khu vực biệt lập thuộc xã Ngọc Chiến.

Ông Sòi Ngọc Dũng tiết lộ: "Loài vượn đen tuyền rất tinh khôn, chúng có thể cảm nhận "mùi nguy hiểm" cách xa hàng cây số. Cho nên để "tận mục sở thị" được loài vượn này là rất khó. Tôi làm trong ngành kiểm lâm bao nhiêu năm nay, tham gia nhiều chuyến tuần rừng kéo dài đến cả tháng trời mà cũng chỉ được nghe thấy tiếng hú của vượn đen vào buổi sáng, hình dáng chúng thế nào tôi cũng chưa được chứng kiến".

Các chuyên gia bảo tồn của Tổ chức FFI cũng đã nhiều lần kết hợp với nhóm tuần rừng của ông Quàng Văn Toàn ở xã Ngọc Chiến đi khám phá "vương quốc" của vượn đen tuyền lớn nhất Đông Nam Á nhưng hầu hết các chuyến đi đều thất bại. Nguyên nhân các chuyên gia đưa ra, có thể do sự tinh khôn và cảnh giác của loài vượn này trước nguy cơ tuyệt chủng, bởi một thời chúng bị các tay săn bắn trái phép truy lùng ráo riết.

Nạn phá rừng là nguyên nhân vượn đen tuyền không còn đất sống. 

Vượn đen từng bị... xẻ thịt

Ông Trần Ngọc Huệ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường La cho biết: "Hiện nay, trong rừng không còn một cá thể hổ, báo, gấu nào. Nhưng riêng vượn đen tuyền thì còn nhiều và nằm trong nhóm linh trưởng nguy cấp số 1 cần được bảo vệ. Tuy nhiên, trước đây vượn đen tuyền từng bị "xẻ thịt" một cách không thương tiếc. Nhưng đó là chuyện cũ rồi, bởi thời ấy người dân địa phương sống dựa vào rừng, cải thiện cuộc sống bằng săn bắt hái lượm. Và lúc đó cũng có một lệnh cấm săn bắt nào".

Chuyện "xẻ thịt" vượn đen tuyền tuy là rất hiếm nhưng cũng đã xảy ra. Báo cáo của FFI cũng cho thấy sự suy giảm nghiêm trọng cá thể vượn đen ở Việt Nam nói chung và khu vực Mường La nói riêng. Một chuyên gia bảo tồn của FFI quốc tịch Anh sau khi đến Mường La thấy những xương cốt, sừng vuốt của thú rừng treo trên tường nhà đã phải bật khóc cho những con thú đang bị săn bắt không thương tiếc.

Nhưng đó là chuyện cũ rồi, từ trước những năm 2000 khi chính quyền kêu gọi dân bản giao nộp súng săn thì hàng ngàn khẩu súng mới được "cầm tù" ở các trụ sở công an. Nạn săn bắn thú rừng đã giảm hẳn, riêng loài vượn đen tuyền thì không bị truy lùng nữa, nhưng số lượng của chúng ngày một giảm dần. "Vàng đen" Tây Bắc - linh hồn của núi rừng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Rất may mắn cho chúng ta, các nhà bảo tồn trên khắp thế giới đã phát hiện ra "vương quốc" vượn đen tuyền. Và những chiến lược dài hạn nhằm duy trì và phát triển loài vượn này đang được hình thành sau những chuyến thám hiểm rừng già.

"Loài vượn đen tuyền có mặt ở nước ta là một điều may mắn. Tuy nhiên, công tác bảo vệ cần phải được quan tâm tối đa nếu không rất có thể loài vượn quý hiếm này sẽ tuyệt chủng. Trải dài từ khu bảo tồn Mù Căng Chải sang tận các xã của huyện Mường La, nên các thành viên nhóm Tuần tra phải rất vất vả leo đồi lội suối để bảo vệ loài linh trưởng này".
Ông Sòi Ngọc Dũng (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La)

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU

Trần Hoà