12 dự án yếu kém vì tính toán kiểu "đếm cua trong lỗ"

Google News

Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, điểm chung của 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương là do phê duyệt kiểu “đếm cua trong lỗ”, thiếu những đánh giá thị trường.

Câu chuyện 12 dự án thua lỗ, chậm tiến độ của ngành Công Thương lại một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận khi mà mới đây chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định tinh thần của Chính phủ kiên quyết xử lý theo thị trường, tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và Nhà nước, kiên quyết không cấp thêm vốn giải cứu các doanh nghiệp thua lỗ.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ Công Thương và các doanh nghiệp bám sát yêu cầu của Bộ Chính trị nhằm hoàn thành hai mục tiêu sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước.
Cụ thể, lộ trình đến hết năm 2017 hoàn thành phương án tái cơ cấu trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện.
Theo đó, đến hết năm 2018 xử lý xong căn bản các yếu kém; năm 2020 xử lý xong các nhà máy, dự án này và xử lý nghiêm minh các cá nhân tập thể gây thua lỗ yếu kém trên.
12 du an yeu kem vi tinh toan kieu "dem cua trong lo"
Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 là 1 trong 12 dự án thua lỗ yếu kém của ngành Công Thương - ảnh Tạp chí kinh tế dự báo. 
Có tiền cũng không cứu
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43.000 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng lên 63.000 tỷ đồng (tăng 45%). Tổng số lỗ lũy kế 12 dự án đến cuối năm 2016 là 16.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 55.000 tỷ đồng.
Đến nay trong số 12 dự án, hiện có 6 nhà máy vận hành nhưng thua lỗ, 3 dự án, nhà máy dừng thi công, 3 nhà máy dừng hoạt động.
Câu hỏi lúc này liệu nhà nước có tiếp tục “bơm” tiền cứu các dự án này hay sẽ để thị trường quyết định? Và lộ trình hết năm 2018 cơ bản giải quyết xong dự án thua lỗ, yếu kém liệu có làm được khi đến nay đã hết quý 2 năm 2017 nhưng nhiều dự án vẫn chưa chuyển biến?
12 du an yeu kem vi tinh toan kieu "dem cua trong lo"-Hinh-2
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp triển khai kết luận của Bộ Chính trị mới đây về việc xử lý các tồn tại yếu kém của một số nhà máy, dự án yếu kém ngành Công Thương đã chủ trì. ảnh: vgp. 
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, chuyên gia chính sách công, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ ủng hộ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ rất rõ ràng không lấy tiền ngân sách cứu dự án này.
“Tôi cho rằng đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, kể cả việc ngân sách có tiền cũng không cứu chứ chưa nói đến việc ngân sách khó khăn như hiện nay”, ông Thọ nói.
Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ cho biết, mục tiêu ban đầu khi xây dựng 12 dự án là tốt nhằm phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, ngay khi triển khai nhiều dự án có tổng mức đầu tư bị đẩy lên. Hoặc có dự án đến khi hoàn thành đi vào hoạt động bị thua lỗ do nguyên liệu đầu vào cao, giá thành sản phẩm bán ra thấp.
Nêu dẫn chứng cụ thể Phó Giáo sư Thọ cho biết, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 có mức đầu tư ban đầu là 3.000 tỷ đồng sau đó tăng tổng mức đầu tư lên 8.000 tỷ đồng.
Một dự án có mức đầu tư lớn như vậy nhưng sản phẩm sản xuất ra chỉ là thép xây dựng bình thường, không có gì đặc biệt thì rất khó có thể cạnh tranh.
Trở lại thời điểm phê duyệt dự án chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Khi thị trường thép trong nước ngày càng bão hòa thì việc chúng ta đầu thêm 3.000 tỷ đồng nữa để cho ra sản phẩm không có gì đặc biệt thì liệu chúng ta có hoàn vốn được không? Nếu đặt vấn đề này ngay từ đầu chắc chắn đã không nhận trái đắng như hiện nay.
12 du an yeu kem vi tinh toan kieu "dem cua trong lo"-Hinh-3
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ ủng hộ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ rất rõ ràng không lấy tiền ngân sách cứu các dự án thua lỗ - ảnh: H.Lực. 
Cũng theo Phó Giáo sư Thọ, nguyên nhân dẫn đến 12 dự án của ngành Công Thương thua lỗ cũng xuất phát từ việc thiếu tính toán về thị trường, đặc biệt thiếu tính toán giá thành đầu vào sản xuất.
Điển hình như tại dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án được thiết kế có công suất 560 nghìn tấn vốn đầu tư 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng), vận hành năm 2012 nhưng liên tục thua lỗ. Riêng năm 2012 đã lỗ 75 tỷ đồng và sau 6 năm lỗ lũy kế lên đến hơn 3.000 tỷ đồng; năm 2016 đã phải dừng hoạt động một thời gian dài.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thua lỗ là khi xây dựng dự án đã không tính đến giá nguyên liệu đầu vào bị tăng nhanh trong khi giá thành sản phẩm lại sụt giảm. Nếu như năm 2012 giá phân Urê ở mức 460 USD/1 tấn thì hiện tại chưa bằng 1 nửa, tức là dưới 230 USD/1 tấn.
Từ nguyên nhân dẫn đến dự án thua lỗ trên, Phó Giáo sư Thọ tái khẳng định: “Những dự án này ngay từ đầu đã cho thấy thiếu khả thi và khó thành công, vì thế Chính phủ quyết định không bỏ tiền để cứu là hoàn toàn chính xác. Lúc này các phương án như cổ phần hóa, bán vốn thậm chí phá sản được đặt ra là hoàn toàn hợp lý”.
Để giải quyết các doanh nghiệp thua lỗ này, ông Thọ cho rằng, sự chủ động của các tập đoàn, tổng công ty có dự án thua lỗ rất quan trọng. Theo đó những doanh nghiệp này phải lên phương án xử lý và báo cáo Bộ Công Thương; trong đó đáng chú ý là phải cam kết trách nhiệm, cam kết thời gian để Chính phủ quyết định.
Thua lỗ vì tình toán kiểu “đếm cua trong lỗ”
Đồng tình quan điểm việc Chính phủ không lấy tiền ngân sách để cứu 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, trao đổi trong chương trình tạp chí kinh tế cuối tuần tại Đài truyền hình Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ bỏ tiền để cứu những dự án yếu kém của ngành Công Thương khó khả thi vì Chính phủ có tuyên bố rất rõ ràng là không cứu những doanh nghiệp thua lỗ.
Theo ông Thiên bản chất của vấn đề đầu tư vào 12 dự án ngành Công Thương như mang tiền nuôi doanh nghiệp xác sống tức là đang hoạt động nhưng thua lỗ và chết dần.
“Những dự án này thua lỗ do nguyên nhân lịch sử bắt nguồn từ việc không tính được giá cả thị trường, rủi ro thị trường, cái đó đúng nhưng đặt ra vấn đề tại sao không tính được rủi ro thị trường đến mức như vậy”, Tiến sĩ Thiên đặt vấn đề.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam hàng loạt dự án của các tập đoàn do Bộ Công Thương quản lý đều dính vào rủi ro thị trường, trong đó rủi ro thị trường gắn với câu chuyện giá đầu vào tăng.
Vấn đề kém hiệu quả của loạt nhà máy này không chỉ do chi phí đầu vào nguyên nhiên liệu mà còn liên quan đến chuyện hợp đồng.
“Hợp đồng EPC đội giá lên, nâng lãi suất làm giảm tính khả thi dự án, dẫn đến âm vốn rất dài. Việc âm vốn dài như vậy mà Nhà nước mang tiền ra để tiếp tục chịu âm vốn đó, tôi cho đây là quyết định dại dột.
Vì vậy việc Chính phủ tuyên bố những dự án này về nguyên tắc không bỏ tiền ngân sách ra để cứu là hoàn toàn chính xác”, Tiến sĩ Thiên khẳng định.
Ông Thiên cũng cho biết, với 12 dự án ngành Công Thương có hai vướng mắc lớn nhất: Một là phê duyệt dự án đơn giản, phê duyệt nhanh nhưng triển khai chậm, kéo dài dẫn đến đội vốn; Hai là thiếu tính toán thị trường bao gồm có cả đầu ra và đầu vào.
“Khi lập dự án những doanh nghiệp này đưa ra tính toán thị trường đơn giản theo kiểu 'đếm cua trong lỗ', lúc lập dự án thì mọi tính toán đều cho thấy có lợi nhuận lớn nhưng khi thị trường thay đổi không có phương án khác thay thế. Nút thắt lớn nhất vẫn là thể chế theo nghĩa trách nhiệm không rõ ràng, nên đầu tư tùy tiện, đơn giản. Đó là bản chất vấn đề!”, ông Thiên nói.
Theo Tiến sĩ Thiên, tất cả dự án đầu tư công, thậm chí cả hệ thống đầu tư công khi phê duyệt thẩm định, giám sát thực hiện đều không rõ ràng trách nhiệm dẫn đến khi thua lỗ đều đổ vào ngân sách.
Thời gian từ nay cho đến thời hạn kết thúc xử lý dự án thua lỗ yếu kém không còn nhiều, Tiến sĩ Thiên cho rằng, bên cạnh dự án được xác định cho phá sản còn có nhiều dự án sau khi tiến hành xử lý đã có chuyển biến tốt hơn.
Điều đó cho thấy bản chất vấn đề ở đây quản trị quá kém vì thế cần nâng cao quản lý, thực hành tiết kiệm tăng hiệu quả hoạt động.
Với các dự án chưa cải thiện được tình hình như nhà máy nhiên liệu sinh học cần phải có dòng tiền vào để hoạt động. Vấn đề hiện nay là cách tiếp cận dòng tiền như thế nào?
Chính phủ khẳng định không bỏ tiền vào dự án thua lỗ, vì vậy để có tiền doanh nghiệp cần có đề án tái cơ cấu phải trình cơ quan quản lý phê duyệt và thực hiện.
Vấn đề xử lý dự án thua lỗ ngành Công Thương không chỉ dừng lại ở vấn đề xử lý trách nhiệm mà phải cứu tài sản rất lớn của Nhà nước.
Theo Mai Anh/Giaoduc.net