Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 doanh nghiệp đầu mối và 8 thương nhân phân phối. Hiện nay đang trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, qua rà soát báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.
"Tất cả các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu dù lớn hay nhỏ, Bộ đều sẽ có kế hoạch kiểm tra. Việc kiểm tra này không liên quan và không ảnh hưởng đến tổng nguồn xăng dầu trong nước", bà Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh.
Về việc chấp hành quy định pháp luật của các thương nhân xăng dầu, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, về cơ bản, các thương nhân đã chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu; Báo cáo duy trì, thay đổi hệ thống phân phối; Báo cáo tình hình sản xuất, xuất, nhập, tồn kho; Báo cáo quỹ bình ổn giá, kê khai giá bán;... định kỳ theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, vẫn còn một số thương nhân chưa chủ động báo cáo để Bộ phải nhắc nhở.
Đáng nói, trong danh sách bị kiểm tra của Bộ Công Thương có Công ty TNHH Hải Linh (tại tỉnh Phú Thọ). Đây là 1 trong hơn 30 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn của cả nước.
Đáng chú ý, thời điểm đầu năm 2024, trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề cập đến Công ty TNHH Hải Linh cùng 6 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sai mục đích, không kết chuyển mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên.
Công ty TNHH Hải Linh đã kết chuyển số tiền trích lập và chi sử dụng vào tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhưng sau đó chuyển về tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để sử dụng với tổng số tiền trên 2.551 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi hơn 2.500 tỷ đồng của doanh nghiệp này đưa về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước: "Việc kiểm tra này là kiểm tra việc tuân thủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối. Tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ đều sẽ có kế hoạch kiểm tra".
Liên quan đến việc vì sao không kiểm tra tất cả các doanh nghiệp để có phương án cân đối phù hợp, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết: Bộ không thể đi kiểm tra hết được hơn 30 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và hàng trăm thương nhân phân phối, do đó chỉ chọn một số doanh nghiệp để kiểm tra.
Theo Bộ Công Thương, năm 2024 tổng nguồn xăng dầu tối thiểu Bộ phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, theo báo cáo của 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn và nguồn xăng dầu nhập từ Tổng cục Hải quan, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%.
Lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 13,2 triệu m3 tấn. Tồn kho thời điểm 30 tháng 6 năm 2024, khoảng 1,85 triệu m3/tấn tương đương 6 tháng đầu năm 2023.
Dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước 6 tháng cuối năm 2024, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 12,76 triệu tấn, tương đương khoảng 15,3 triệu m3/tấn.
Theo quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu này, Công ty TNHH Dư Hoài (tỉnh Sóc Trăng), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nhiên liệu Đông Đô (tại TP.HCM) bị rút giấy phép.
Theo An Linh/Dân Việt