Bộ năng lượng Arab Saudi cho biết nước này vẫn sẽ giảm sản xuất thêm 1 triệu thùng/ngày, duy trì sản lượng quanh 9 triệu thùng/ngày trong tháng 12 tới. Họ lo ngại nhu cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ gây sức ép lên thị trường dầu thô.
Bộ năng lượng cũng cho rằng việc giảm sản xuất tự nguyện sẽ củng cố nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), nhằm hỗ trợ sự bình ổn và cân bằng của thị trường dầu.
Sau tuyên bố của Arab Saudi, Nga cũng thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện thêm 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm sau.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cũng thông báo tiếp tục giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày với dầu thô và các sản phẩm từ dầu.
Bộ năng lượng Arab Saudi lo ngại nhu cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ gây sức ép lên thị trường dầu thô (Ảnh: AFP).
Năm qua, OPEC+ duy trì giảm sản xuất để hỗ trợ thị trường. Tháng 10 năm ngoái, tổ chức này đã tuyên bố giảm sản xuất 2 triệu thùng/ngày, mức giảm lớn nhất kể từ đại dịch.
Theo tính toán của công ty tư vấn dữ liệu Energy Aspects, chính sách siết cung đã giúp Nga và Arab Saudi có thêm hàng tỷ USD từ bán dầu trong vài tháng qua. Nguyên nhân là giá dầu tăng bù cho lượng xuất khẩu giảm.
Tháng 5, Arab Saudi dẫn đầu một nhóm nhỏ thông báo tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng một ngày. Đến tháng 7, họ giảm thêm 1 triệu thùng nữa. Từ tháng 4, Nga cũng giảm sản xuất 500.000 thùng một ngày.
Giá dầu đạt mức cao nhất trong năm nay vào tháng 9 vừa qua, lên gần 98 USD/thùng đối với dầu thô Brent. Tuy vậy, kể từ đó giá dầu đã suy yếu và giao dịch quanh mức 85 USD/thùng, bất chấp xung đột tại Trung Đông vẫn tiếp diễn.
Theo Huỳnh Anh/Dân trí