Nhà đầu tư hoang mang
Trao đổi với báo chí tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, ngày 8/9/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy (40 tuổi, trú P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) để làm rõ hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự.
|
Trung tướng Tô Ân Xô trả lời một số câu hỏi liên quan đến Công ty Bất động sản Nhật Nam |
Quá trình điều tra xác định, từ năm 2020 đến năm 2022, Công ty Bất động sản Nhật Nam đã thu tổng số tiền hơn 8.941 tỉ đồng của khoảng 20.000 cá nhân, thông qua 45.525 hợp đồng hợp tác kinh doanh (một cá nhân ký nhiều hợp đồng).
Công ty chi trả tiền hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn khoảng hơn 2.272 tỷ đồng. Ngoài ra, Thúy chi sử dụng chi tiêu cá nhân khoảng hơn 635 tỷ đồng.
Trước thông tin trên, không ít khách hàng của Nhật Nam đang hoang mang, lo lắng cho khoản tiền đã trót đầu tư vào Công ty Nhật Nam của bà Vũ Thị Thúy và băn khoăn về việc có thể lấy lại được tiền hay không. Bởi có những khách hàng đã “ném” vào đây cả tỷ đồng, thậm chí đã phải vay mượn hay giấu diếm người thân để đầu tư.
Khả năng thu hồi tiền… không dễ
Trả lời VTC News, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm nhận định, muốn sớm lấy được tiền, các nhà đầu tư cần nhanh chóng tập hợp, cung cấp tài liệu, chứng cứ về vụ việc cho cơ quan chức năng. Việc này vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng, vừa giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong việc củng cố hồ sơ điều tra. Dù vậy, thời gian lấy lại được số tiền đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan tiến hành tố tụng.
Vị luật sư nhấn mạnh, nguy cơ và rủi ro của các nhà đầu tư hiện hữu quá rõ trước việc bà Vũ Thị Thúy đang bị tam giữ vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Ở thời điểm này, nhà đầu tư cần tập hợp các tài liệu (những giấy tờ hợp đồng ký kết với phía Nhật Nam trước đó) để cung cấp cho cơ quan chức năng. Họ cũng cần trao đổi thẳng thắn, thành thật, không che giấu thông tin mà công khai, minh bạch để từ đó công tác điều tra của cơ quan chức năng được tiến hành thuận lợi hơn. Tránh trường hợp chậm cung cấp thông tin, thậm chí né tránh thì nguy cơ khách hàng rơi vào tình huống “trâu chậm uống nước đục”, lúc đó, cơ hội lấy lại tiền đầu tư đã khó khăn sẽ chồng thêm khó khăn”.
|
Bà Vũ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam trước khi bị bắt |
Luật sư Trần Đình Thắng, Công ty Luật KoCi, đoàn Luật sư Hà Nội cũng nhận định, rằng khả năng lấy tiền nhanh đối với các nhà đầu tư hiện nay cũng sẽ rất khó. Trường hợp đã khởi tố phong tỏa thì sau này tòa án sẽ quyết định việc trả tiền cho bị hại. Điều này cũng sẽ được thể hiện tại bản án có hiệu lực. Lúc đó cơ quan thi hành án mới thi hành bản án cụ thể.
Tuy nhiên hiện nay, khoản tiền các nhà đầu tư đã chuyển cho Nhật Nam tạm thời chưa xác định được cụ thể là bao nhiêu. Vì vậy, cơ quan tố tụng sẽ phong tỏa toàn bộ các tài sản liên quan của Nhật Nam để đảm bảo không bị tẩu tán. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ thực hiện các thủ tục tố tụng cho đến khi tòa án có bản án hiệu lực pháp luật.
“Từ thời điểm này đến khi tòa án có phán quyết cuối cùng thì các nhà đầu tư sẽ phải cung cấp các tài liệu chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, những thiệt hại về thời gian, công sức kèm theo các rủi ro khác là điều không thể tránh khỏi đối với những nhà đầu tư đã trót rót vốn vào các dự án của bất động sản Nhật Nam", Luật sư Thắng phân tích.
Thực tế, việc các doanh nghiệp huy động vốn trong kinh doanh bằng các hình thức như hợp tác đầu tư, mua bán cổ phần, vay vốn… là không ít, và các hình thức này cũng như những cá nhân, tổ chức tham gia đều được pháp luật bảo vệ. Thế nhưng, cũng tồn tại một số nhỏ doanh nghiệp như Nhật Nam, Alibaba hay gần đây nhất là Sen Tài Thu, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của khách hàng để “trục lợi”.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, trong trường hợp các doanh nghiệp thực hiện các chiêu trò, phương thức thủ đoạn là vay vốn, bán cổ phần, nhận tiền đặt cọc, nhận tiền hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh với nhiều người nhưng đã sử dụng tiền không đúng mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại tiền cho người góp tiền thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu của tội sử dụng trái phép tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
PC03 Công an TP.Hà Nội xác định bà Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34 - 46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào Công ty Bất động sản Nhật Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, bản thân bà Thúy tại cơ quan điều tra đã khai nhận các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Công ty Bất động sản Nhật Nam đều chưa thu được lợi nhuận. Công ty này cũng không có dự án, bất động sản nào tại tỉnh Hòa Bình và Bình Thuận như quảng cáo cho các cá nhân.
“Qua vụ án này, Bộ Công an khuyến cáo các nhà đầu tư hết sức tỉnh táo khi tham gia dự án huy động vốn” - Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh và cho biết, hiện Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đang tiếp tục điều tra, làm rõ, thu hồi tiền, tài sản để trả lại cho các bị hại.
Minh Châu (t/h)