UBND tỉnh Quảng Trị vừa cho phép liên danh 3 nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn - Công ty TNHH Phonesack Việt Nam - Công ty TNHH Nam Tiến nghiên cứu làm đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan.
Liên danh nhà đầu tư trên sẽ thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát và bổ sung nội dung xây dựng đoạn tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào cùng hồ sơ đề xuất đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương hồi tháng 7/2023. Qua đó, để hoàn thiện hồ sơ tổng thể đoạn tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Trị theo phương thức PPP.
Thời gian nộp hồ sơ là 3 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản chấp thuận. Sau thời gian 3 tháng, nếu liên danh được giao lập hồ sơ đề xuất dự án không có hồ sơ báo cáo thì văn bản hết hiệu lực.
|
Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Ảnh: Báo Đầu tư). |
Về liên danh 3 nhà đầu tư trên, qua tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (HSG) là doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện mặt trời...
Công ty này được thành lập vào năm 2001, bởi ông Phạm Hoành Sơn. Doanh nghiệp có trụ sở chính tại tỉnh Hà Tĩnh. Theo giới thiệu trên website, tổng tài sản Hoành Sơn ở mức 250 triệu USD, doanh thu hàng năm 180 triệu USD và có hơn 2.000 nhân viên.
Vốn điều lệ hiện tại của Hoành Sơn ở mức 2.000 tỷ đồng. Tháng 10/2018, vốn điều lệ Hoành Sơn là 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Phạm Hoành Sơn (sở hữu 95%); bà Nguyễn Thị Hằng Nga (sở hữu 4%) và bà Lưu Thị Duyên (sở hữu 1%).
|
Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh). |
Hoành Sơn sở hữu nhiều dự án xây dựng nghìn tỷ như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng), Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (gần 1.500 tỷ đồng); Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng); … Gần đây, Tập đoàn này đã đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh về việc khảo sát, thực hiện dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.
Tiếp theo là Công ty TNHH Phonesack Việt Nam, đây là một thành viên của Tập đoàn Phonesack Group (Lào), được thành lập từ năm 2010. Công ty từng có tên là Công ty TNHH MTV Than Việt Nam, có địa chỉ trụ sở chính công ty tại Khu công nghiệp phụ trợ, phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Kim Sơn. Vốn điều lệ hiện tại của Phonesack Việt Nam là hơn 32 tỷ đồng.
Cuối cùng là Công ty TNHH Nam Tiến có trụ sở chính tại tỉnh Thái Nguyên, do ông Phan Thế Nam làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Theo nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp hồi tháng 7/2016, công ty có vốn điều lệ 165 tỷ đồng, trong đó ông Nam sở hữu gần 96% vốn điều lệ, khoảng 4% còn lại của ông Nguyễn Văn Đại.
Khánh Hoài (tổng hợp)