Dư luận những ngày qua đang xôn xao trước thông tin một số phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Newton Goldmark (Hà Nội) phản ánh 39 học sinh bị đơn vị cung cấp suất ăn bán trú từ chối phục vụ do cha mẹ "ký vào đơn phản ánh những thông tin sai lệch nghiêm trọng, không có căn cứ về vấn đề an toàn thực phẩm của bếp ăn".
Phía đại diện Ban an toàn vệ sinh thực phẩm do phụ huynh trường Tiểu học Newton Goldmark lập ra khẳng định với truyền thông, ngày 15/10/2020, khi kiểm tra đột xuất bếp ăn bán trú, họ phát hiện một số gia vị, nguyên liệu giá rẻ, nhãn hiệu không tên tuổi.
"Chai nước mắm 850 ml nhưng giá chỉ 7.000 đồng, do một cơ sở tại Đông Anh, Hà Nội, sản xuất. Cơ sở này từng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, dầu ăn cũng của một nhãn hàng chúng tôi chưa nghe tên bao giờ…", một phụ huynh cho biết.
|
Danh sách 39 em học sinh trường Tiểu học Newton Goldmark bị từ chối "cho ăn". |
Trước vấn đề trên, phía trường Tiểu học Newton Goldmark đã gửi nguyên văn bản thông báo cho phụ huynh thông qua tin nhắn, đồng thời nếu có thắc mắc thì có thể liên hệ với nhà bếp hoặc Ban giám hiệu. Động thái này của nhà trường ngay lập tức bị đánh giá là "vô trách nhiệm", vì chưa kiểm tra lại chất lượng đồ ăn, đã vội vàng “bênh” đơn vị cắt suất ăn của học sinh.
Trước phản ứng dữ dội của dư luận và phản ánh báo chí, đại diện trường Tiểu học Newton Goldmark sau đó lên tiếng giải thích rằng, nhà trường đã xử lý, đồng thời có gửi thông báo đến cho phụ huynh. Trong thông báo, trường xác nhận ngày 29/10/2020, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phát triển Hải Thành (gọi tắt Công ty Hải Thành) - đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho trường Newton Goldmark, có gửi thông báo từ chối phục vụ suất ăn tới 39 học sinh.
|
Động thái giải quyết ban đầu của nhà trường gây bức xúc, bị đánh giá là "vô trách nhiệm". |
Nguyên nhân đưa ra là trong đơn kiến nghị "Giữ tín nhiệm trưởng ban phụ huynh trường và các vấn đề liên quan an toàn thực phẩm" ngày 23/10/2020, phụ huynh phản ánh thông tin sai lệch, làm ảnh hưởng uy tín của nhà bếp và trường. Do đó, Công ty Hải Thành thông báo từ chối cung cấp dịch vụ suất ăn bán trú cho con của 39 phụ huynh ký tên vào đơn.
Một số phụ huynh phản hồi với trường, cho rằng ký vào đơn nhưng không đọc hoặc chỉ ký đề nghị phần tín nhiệm giữ trưởng ban phụ huynh mà không đọc.
Với những người này, Công ty Hải Thành đề nghị họ ghi rõ họ tên và đề xuất nhà bếp có kế hoạch cho các con nếu có yêu cầu tiếp tục nhận suất ăn bán trú.
Trường Tiểu học Newton Goldmark cũng khẳng định từ đầu năm học, Ban giám hiệu đã đồng ý cho ban an toàn thực phẩm kiểm tra bếp ăn, xem quy trình làm việc của nhân viên nhà bếp, giám sát quá trình nhập thực phẩm, nguyên liệu, gia vị...
Mặc dù Tiểu học Newton Goldmark đã lên tiếng, song nhiều ý kiến từ phía dư luận vẫn cho rằng nhà trường chỉ trốn tránh và thiếu trách nhiệm trong sự việc? Bởi theo thông tin đăng tải trên website chính thức, học phí của học sinh trường Liên cấp Newton bậc Tiểu học dao động từ 4,8 - 7,2 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền ăn bán trú (2 bữa trưa, chiều) là 1,2 triệu/tháng, tiền ăn sáng 400 nghìn/tháng, tiền bán trú 300 nghìn/tháng.
Có nghĩa là tiền ăn bán trú, tiền học của học sinh đều được nộp trực tiếp cho nhà trường, chứ không phải nộp cho Công ty Hải Thành. Công ty Hải Thành chỉ là đơn vị ký kết hợp đồng với nhà trường, thông qua đó cung cấp suất ăn tới học sinh. Do vậy, Tiểu học Newton Goldmark phải có trách nhiệm lo ăn, lo học cho các học sinh, không thể để Công ty Hải Thành “lộng hành”.
|
Trường Tiểu học Newton Goldmark (Hà Nội). |
Một số ý kiến phụ huynh khác còn đặt nghi vấn, trong môi trường giáo dục nhưng trường Tiểu học Newton Goldmark lại tiết lộ danh sách học sinh mình cho đơn vị bên ngoài như thế là rất “bậy bạ”. Có hay không Công ty Hải Thành được “chống lưng” của trường Tiểu học Newton Goldmark nên mới ngang nhiên cắt suất ăn của 39 sinh? Hay là trường sử dụng Công ty Hải Thành như một “con tốt” để “đuổi khéo” con em những phụ huynh có tư tưởng “chống đối” nhà trường?
“Phụ huynh chỉ làm việc với nhà trường, còn nhà trường phải có trách nhiệm làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ cho trường chứ. Phụ huynh có ký trực tiếp hợp đồng với Công ty cung cấp dịch vụ đâu mà sao họ biết rõ tên con và tên phụ huynh thế kia. Cách hành xử của nhà trường, cô giáo và đơn vị đối tác kém văn minh, phản giáo dục và có yếu tố xâm phạm quyền riêng tư” một phụ huynh bình luận.
Tương tự, một phụ huynh khác bày tỏ: “Giờ Công ty nấu ăn không chịu phục vụ 39 học sinh, trường phải đàm phán hoặc mua 39 suất ăn đó ở đâu là trách nhiệm của trường. Giả sử, sau này có một giáo viên từ chối dạy 39 cháu học sinh, trường lúc thuận lợi cầm tiền còn lúc xảy ra việc thì bảo bố mẹ đi thương lượng với giáo viên à? Lỗi lớn nhất ở đây thuộc về trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường”.
Được biết, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú lên đến 1.600 trường trên tổng số 2.700 trường. Chính vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được lực lượng chức năng của thành phố quan tâm hàng đầu.
Thực tế, để các em học sinh có bữa ăn học đường an toàn, đủ dưỡng chất, trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về các nhà trường và những người trực tiếp đứng bếp. Tuy nhiên, trước sự việc 39 học sinh Newton bị từ chối "cho ăn", dù sự thật có là gì đằng sau đi chăng nữa, có lẽ cả nhà trường và phía phụ huynh nên sớm cùng nhau đưa ra giải pháp xử lý sao cho phù hợp nhất, để ổn định tâm lý, môi trường học tập và bữa ăn cho các em học sinh, những mầm non tương lai.
Khánh Hoài