Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM 2023, sáng 13/4, Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã diễn ra tại Hà Nội nhằm thúc đẩy du lịch phục hồi sau dịch.
Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh là các tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Nơi đây hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách, là điểm đến an toàn, hấp dẫn thu hút du khách muôn phương.
Trong những năm qua, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa 4 địa phương này ngày càng được quan tâm, đặc biệt là sự phối hợp trong công tác quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như các sản phẩm du lịch mới của 4 tỉnh thông qua các hoạt động cụ thể như phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch; Đón đoàn Famtrip các tỉnh đến khảo sát tại 4 tỉnh; Trao đổi thông tin trong công tác quản lý Nhà nước; Hỗ trợ tuyên truyền thông tin quảng bá du lịch…
Kể từ khi hoạt động du lịch được mở cửa trở lại đến nay, 4 tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phục hồi và phát triển du lịch với những con số ấn tượng. Thông qua Hội nghị, 4 địa phương mong muốn giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến, thị trường, sản phẩm du lịch, dịch vụ mới và các sự kiện du lịch tiêu biểu năm 2023 nhằm thu hút khách du lịch đến với các tỉnh; xây dựng hình ảnh du lịch 4 địa phương thông qua việc liên kết thành một hành trình, nhiều trải nghiệm thú vị; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xây dựng, định vị thị trường, giới thiệu chương trình kích cầu du lịch năm 2023 đến với các tỉnh thành phía Bắc; đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch 4 địa phương gặp gỡ các đối tác du lịch trong cả nước.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều di sản thế giới, nhiều giá trị di sản văn hóa đặc sắc, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều bãi biển đẹp trải dài, cảnh quan núi non hùng vĩ.
Khu vực này có diện tích tự nhiên lớn, dân số đông, hệ thống giao thông thuận lợi, các tỉnh kết nối với nhau, với các địa phương khác qua các trục giao thông quốc gia bằng cả đường bộ, đường hàng không, đường biển và với Lào, Đông Bắc Thái Lan theo tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, mở rộng không gian du lịch, gia tăng trải nghiệm trong hành trình khám phá của khách du lịch, gia tăng trao đổi khách với các địa phương, các vùng du lịch trên cả nước và với các nước láng giềng.
Phát huy tiềm năng, bản sắc độc đáo của mỗi địa phương trong tổng thể liên kết chung, thời gian qua 4 tỉnh đã tập trung xây dựng, khai thác có hiệu quả nhiều sản phẩm du lịch mới với nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng như chương trình “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, “Con đường di sản miền Trung”, “Hành trình theo chân Bác”, chương trình du lịch về nguồn và khám phá văn hóa bản địa, chương trình du lịch 1 ngày ăn cơm 3 nước (Việt Nam, Lào, Thái Lan). Đặc biệt, hoạt động liên kết quảng bá xúc tiến du lịch giữa các địa phương còn chủ động vươn ra thị trường quốc tế như Lào, Thái Lan - điều mà rất ít các cụm liên kết trong nước hiện nay làm được.
|
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa ký kết chương trình hợp tác chiến lược với Flamingo Redtours về phát triển du lịch. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, liên kết được đánh giá là một trong những hướng quan trọng để phục hồi, phát triển du lịch.
Để hợp tác, liên kết phát triển du lịch đi vào chiều sâu, thực chất, Tổng cục Du lịch đề nghị từng địa phương có kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung liên kết, hợp tác đã được thỏa thuận. Đặc biệt chú trọng tạo ra các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, mang tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với du khách. Đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, tăng cường quản lý điểm đến. Mở rộng thị trường khách nội địa tới các địa phương phía Nam, khách nối tour từ Hà Nội, từng bước khai thác thị trường khách du lịch quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh khai thác khách từ Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan báo chí đồng hành trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy thế mạnh khác biệt của các địa phương trong liên kết; quảng bá, chào bán các chương trình du lịch, hiến kế trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng điểm đến để ngành du lịch của các tỉnh ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Hồng Linh