Tỷ phú Elon Musk được biết đến với cương vị là CEO, CTO của Hãng vận chuyển trong không gian SpaceX, CEO Hãng ô tô điện Tesla, CEO Công ty nghiên cứu về thiết bị trợ não Neuralink, Chủ tịch Công ty giải pháp năng lượng SolarCity, đồng chủ tịch của OpenAI.
|
Ông Errol Musk. Ảnh: Samantha Lowe/Forbes |
Ông sẽ không thể trở thành vị doanh nhân có khả năng thay đổi thế giới như hiện tại nếu không có được sự nuôi nấng, dạy dỗ từ cha mình - ông Errol Musk.
Trang Inc. đã tổng hợp một số bài học thú vị từ cách dạy con của cha Elon Musk:
1. Trải nghiệm mới có vai trò quan trọng trong việc mở mang trí óc cho trẻ
Elon Musk và các anh chị em mình được đi du lịch khắp nơi cùng cha, vì ông muốn con cái được trải nghiệm mọi thứ ở khắp mọi nơi.
Trải nghiệm những điều mới đóng vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Rõ ràng là sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta được đi khắp thế giới bằng những chiếc phi cơ riêng và trải nghiệm thật nhiều điều mới mẻ như gia đình Musk. Nhưng thậm chí khi không có điều kiện như vậy, vẫn có rất nhiều cách để tạo ra những cơ hội học hỏi những điều mới. Internet, sách vở, các trung tâm khoa học, chương trình truyền hình mang tính giáo dục, hội thảo chuyên đề, lớp học… nằm trong vô số kênh giúp mở mang trí óc cho trẻ em cũng như chính cha mẹ chúng.
2. Ngay cả những người hướng nội cũng có thể thành nhà lãnh đạo thành công
Cha Elon Musk mô tả con mình là một người tư duy hướng nội. Ông kể, ngay cả khi tham gia một bữa tiệc tại nhà ai đó, Elon Musk thường có xu hướng tìm đến thư viện của gia đình họ để đọc sách hơn là vui chơi với đám đông.
Thậm chí những người hướng nội nhất cũng có thể thành công, thậm chí còn trở thành nhà lãnh đạo thành công. Như Elon Musk đã chứng minh, một người tư duy hướng nội có thể tạo ra những ý tưởng lớn. Đồng thời tư duy hướng nội cũng là một loại “tài sản” của nhà lãnh đạo.
3. Không bao giờ là quá sớm để khuyến khích trẻ tham gia vào hoạt động mà chúng quan tâm
Khi Elon Musk mới 11 tuổi, ông Errol Musk đã đưa con trai đến một buổi thuyết trình về máy tính. Vào cuối buổi thuyết trình, Elon đã được tương tác cùng lúc với nhiều chuyên gia máy tính hàng đầu. Các chuyên gia này sau đó đã “van xin” ông Errol mua cho Elon một chiếc máy tính. Ông Errol đáp ứng lời “thỉnh cầu”. Và nhờ đó, Elon Musk đã về nhà tự mày mò để học về ngôn ngữ máy tính.
Không bao giờ là quá sớm để khuyến khích trẻ khám phá những sở thích của chúng hoặc cố gắng thử tìm hiểu một điều gì đó. Nếu một điều mới mẻ có thể khơi gợi sự hứng thú của trẻ, hãy cho chúng cơ hội để thử khám phá, dù chúng trông có vẻ “còn quá nhỏ”.
4. Dù bạn có sức ảnh hưởng đến đâu, vẫn phải giúp con cái có tinh thần trách nhiệm trong công việc
Là một gia đình giàu có ở Nam Phi, Errol Musk vẫn yêu cầu con cái phải làm các phần việc như dọn dẹp nhà cửa và cắt cỏ. Ở các gia đình giàu có tại Nam Phi, đây là những phần nhiệm vụ thường chỉ dành cho người giúp việc, nên chuyện con cái của một gia đình giàu có phải tự tay làm là một điều “bất thường”.
Dù bạn thành công như thế nào hay có thể mang đến cho con cái cuộc sống sung túc ra sao, việc giúp chúng có tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ trong công việc là rất quan trọng.
5. Hãy để chúng mạo hiểm, vì thậm chí khi mất tiền, đó vẫn là kinh nghiệm vô giá
Rõ ràng phần lớn chúng ta sẽ không sẵn sàng trao 28.000 USD (với giá trị hiện tại là khoảng 45.000 USD) cho con cái để chúng mở một công ty khi còn quá trẻ. Ông Errol Musk đã làm điều đó với 2 con trai mình vào năm 1995: tạo điều kiện để họ mở một công ty kinh doanh dịch vụ dựa trên nền tảng internet khi mà hầu hết mọi người lúc đó chỉ mới làm quen với sự tồn tại của internet. Công ty hoạt động tốt, để rồi sau này được bán lại với giá hơn 300 triệu USD.
Không phải ai trong chúng ta cũng có thể trao cho con cái mình món quà lớn như ông Errol Musk, nhưng sự thể hiện niềm tin vào con cái chính là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của một doanh nhân tương lai. Thậm chí một số vốn khởi nghiệp khiêm tốn (mà có thể “một đi không trở lại”) cũng có thể mang đến cho người trẻ những bài học giá trị sau này. Chỉ cần lưu ý chắc chắn rằng họ sẽ dùng nó cho mục đích kinh doanh.
Theo Bích Trâm/DNSG