Bất kể bạn là ai, làm nghề gì, thu nhập ra sao thì bạn vẫn nên tiết kiệm. Người xưa có câu nói rằng: 'Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện'. Việc bạn kiếm ra bao nhiêu tiền thực tế còn không quan trọng bằng việc bạn để ra được bao nhiêu. Bởi khoản mà bạn để ra được mới là giá trị lâu dài của bạn.
Nhất là trong thời điểm dịch bệnh không biết bao giờ mới chấm dứt. Việc tiết kiệm tiền càng quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta phải học cách cắt giảm và thắt chặt chi tiêu, có như vậy khi không may xảy ra sự cố thì vẫn có tiền phòng thân.
Dưới đây là 4 cách đơn giản nhất mà bạn nên nhớ để vừa có tiền chi cho sinh hoạt, lại vẫn bỏ ra được một khoản tiết kiệm:
Không bao giờ được coi thường tiền lẻ
Thường khi đi đâu, mọi người cũng mang tiền chẵn trong người để đỡ nặng ví và sau đó mua đồ lại được người bán thối cho đống tiền lẻ. Thế là về nhà là móc tiền lẻ ra, vứt lung tung và nghĩ rằng tiền lẻ không đáng là bao, trong khi quên câu “tích tiểu thành đại”.
Với lại tiền bạc rất khó kiếm nên một đồng mọi người cũng phải biết quý trọng, nhất là ở thời điểm này. Do đó, hãy tập thói quen không bỏ qua tiền lẻ, chẳng hạn như mua đồ dư một, hai nghìn cũng phải lấy tiền thối và mỗi lần có tiền lẻ cứ mang về xếp lại, cất vào một chỗ.
Như vậy một thời gian sau lấy ra bạn sẽ ngạc nhiên với số tiền đáng kể lên đến vài trăm hoặc bạc triệu không chừng.
Hạn chế sử dụng thẻ thanh toán
Công nhận để tiền trong thẻ rất tiện, không cần mang tiền mặt trong người sẽ không sợ kẻ gian móc túi hay rớt mất. Thế nhưng, có điều bất lợi với những người không biết cân nhắc, kiểu đi ăn uống hay mua sắm gì cũng dùng thẻ quẹt bất chấp. Đến khi xem lại thì tiền trong tiền khoản đã cạn, chưa đến hạn mà tiền lương chẳng còn đâu.
Vậy nên, rút tiền mặt ra dùng vẫn hơn, với khoản cố định đó mọi người sẽ biết cân đo đong đếm chi tiêu cho hợp lý, số còn lại thì gửi ngân hàng tiết kiệm để tiền đẻ ra tiền nhé.
Hãy gia tăng khoản tiết kiệm
Điều này là hết sức cần thiết, vì sống là mọi người phải đặt mục tiêu và cố gắng làm được. Ví dụ như trước giờ mọi người kiếm được 10 đồng thì sẽ dùng 8 đồng và tiết kiệm 2 đồng. Nhưng theo thời gian đồng lương tăng lên mọi người cần phải nâng mức tiết kiệm lên 3, thậm chí 4 đồng.
Và khoản tiết kiệm này không nên đụng đến để sau này dùng cho những việc lớn khác hay phòng hờ ốm đau, bệnh tật. Thậm chí trong trường hợp, các công ty đang có xu hướng cắt giảm nhân viên, làm việc tại nhà, giảm một nửa lương khi tình hình dịch bệnh đang ở đỉnh điểm làm kinh tế trở nên khủng hoảng thì khoản tiết kiệm này sẽ giúp mọi người vượt qua tình trạng khó khăn này.
Cắt giảm các gói dịch vụ phụ, không cần thiết
Ngoài ra, một cách tiết kiệm tiền hợp lý nữa là hủy các dịch vụ hàng tháng mà mọi người ít hoặc lâu rồi không sử dụng, để tránh tình trạng tiêu tiền như rác cho thứ không đáng. Ví dụ, mọi người đang trả phí cho 3 nền tảng xem phim, xem video khác nhau thì chỉ nên giữ lại một dịch vụ mà dùng nhiều nhất thôi nhé.
Đặt hạn mức cho từng khoản chi tiêu
Sau khi nhận được lương, lúc này bạn cần đặt hạn mức cho từng khoản chi tiêu sao cho không vượt quá tổng thu nhập hàng tháng.
Hãy áp dụng nguyên tắc tỷ lệ 50 - 30 - 20 trong chi tiêu. Trong đó 50% là dành cho các khoản cơ bản, nhu cầu thiết yếu; 30% dành cho những thứ bạn thích, những món đồ mà bạn muốn sở hữu; 20% còn lại dùng để đầu tư & tiết kiệm hoặc trả các khoản vay.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, bạn hoàn toàn có thể giảm tỷ lệ chi tiêu, tăng tỷ lệ tiết kiệm. Điều đó phụ thuộc vào tư duy quản lý tài chính cá nhân của từng người.
Theo Thạch Thảo/ Khoevadep