Tính đến nay, ngôi vị giàu nhất sàn chứng khoán Việt đã gọi tên 5 người, là ông Trương Gia Bình, ông Đặng Thành Tâm, ông Đoàn Nguyên Đức, ông Phạm Nhật Vượng, người giữ vị trí này lâu nhất. Vị tỷ phú chỉ giữ vị trí này 1 giờ, cũng là người giàu gây nhiều bất ngờ nhất thời gian gần đây, là tỷ phú Trịnh Văn Quyết.
Trịnh Văn Quyết trở thành “hiện tượng chứng khoán”
Là anh cả trong gia đình, từ nhỏ Trịnh Văn Quyết đã có ý chí làm giàu mạnh mẽ. Tốt nghiệp cấp 3 xong cũng là lúc ông vào TP.HCM học sửa chữa điện tử và ôn thi Đại học.
Vừa làm thợ sửa chữa điện tử ban ngày, vừa học thêm buổi tối. Đến năm 1996, ông trúng tuyển 3 trường đại học cùng lúc khi 20 tuổi. Giữa những lựa chọn, ông quyết định chọn Đại học Luật Hà Nội để theo học.
|
TS, Luật sưTrịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, người giữ ngôi vị người giàu nhất TTCK Việt trong 1 giờ đồng hồ, vào chiều 11/11. Ảnh: FLC. |
Năm thứ 2 đại học, ông buôn bán điện thoại và mở văn phòng gia sư. Năm 24 tuổi, ông thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư SmiC. Năm 2001, Văn phòng luật SMiC được tách ra từ Công ty SMiC.
Là Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC từ năm 2008 đến nay, tỷ phú đôla thứ 2 của Việt Nam chia sẻ chính nghề luật sư đã giúp ông tích lũy kiến thức, cũng như tạo cơ hội để đến con đường làm doanh nhân.
Năm 2008, ông Trịnh Văn Quyết cùng 3 cổ đông sáng lập Công ty TNHH Đầu tư Trường Phú Fortune với số vốn 18 tỷ đồng. Đến năm 2010, công ty chuyển đổi thành Công ty cổ phần FLC. FLC cùng cái tên Trịnh Văn Quyết bắt đầu “tỏa sáng” từ dự án FLC The Landmark Tower. Năm 2012, riêng tiền bán căn hộ tại đây, FLC thu về 575 tỷ đồng.
Khi FLC niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2011, quy mô của công ty tăng trưởng nhanh chóng và giúp Trịnh Văn Quyết trở nên nổi tiếng trên thương trường.
Nhưng bước ngoặt đưa ông Quyết trở thành tỷ phú đôla thứ 2 của Việt Nam lại được quyết định bởi "dấu ấn Faros", một doanh nghiệp khác của ông mới chỉ lên sàn gần đây.
Việc sở hữu 41,79% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xây dựng Faros là yếu tố giúp Trịnh Văn Quyết trở thành một trong những người giàu nhất trên TTCK Việt.
Hiện, ông sở hữu gần 109 triệu cổ phiếu FLC và 280 triệu cổ phiếu ROS. Trong phiên giao dịch 11/11, ông Trịnh Văn Quyết đã có thêm hơn 1.984 tỷ đồng, đưa tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông chạm mốc 31.149 tỷ đồng.
Đây cũng là phiên giao dịch đưa ông Trịnh Văn Quyết vượt qua tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng, trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán, dù chỉ trong 1 giờ đồng hồ.
Hiện tổng tài sản của ông Quyết chỉ thấp hơn ông Vượng khoảng 700 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng thần kỳ của FLC được Forbes nhận xét "là câu chuyện hiếm trong giới đầu tư bất động sản", và cái tên Trịnh Văn Quyết cũng trở thành một hiện tượng lạ.
Tỷ phú đôla đầu tiên Phạm Nhật Vượng: Giữ "ngôi" lâu nhất
Người duy nhất trụ vững ở vị trí số 1 trong Top 10 người giàu nhất TTCK Việt Nam từ năm 2009 đến nay là tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng, ông chủ Tập đoàn Vingroup.
Ông Vượng cũng là người Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú thế giới (năm 2011) và hiện đứng thứ 903 trong danh sách những người giàu nhất thế giới (cập nhật của Forbes tháng 7/2016).
Nhắc đến ông Phạm Nhật Vượng, người ta nhớ đến những danh hiệu to tát như tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam, người xô đổ nhiều kỷ lục về tài sản trên bảng xếp hạng người giàu, người đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes... Tuy nhiên, ít người biết vị tỷ phú này còn có công đầu, khi đưa thương hiệu mì ăn liền Việt đứng đầu một thị trường lớn ở nước ngoài.
|
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup, người giữ vị trí giàu nhất TTCK Việt Nam từ năm 2009 đến nay. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Ông Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội. Năm 1987, ông đậu Đại học Mỏ địa chất Hà Nội. Nhờ thành tích xuất sắc trong môn Toán, ông được học bổng du học ở Nga.
Năm 1993, ông đã kinh doanh mì ăn liền được sản xuất trên quy trình nhập khẩu từ Việt Nam và ngay lập tức được người dân Ukraina đón nhận nhiệt liệt. Ông Vượng trở thành vua chế biến thực phẩm của Ukraina.
Sau đó ông thành lập Tập đoàn kinh tế Technocom tại cố đô Kharkov. Đến năm 2010, ông bán lại công ty của mình với giá 150 triệu USD.
Từ năm 2000 đến nay, ông Phạm Nhật Vượng dốc toàn lực đầu tư tại Việt Nam. Tham gia vào thị trường du lịch và bất động sản cao cấp khá sớm với hai thương hiệu chiến lược là Vinpearl và Vincom, ông Vượng đã đưa thương hiệu này đã nhanh chóng thành công.
Tháng 1/2012, Công ty cổ phần Vinpearl sáp nhập vào Công ty cổ phần Vincom và chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn Vingroup. Ông Phạm Nhật Vượng được bầu vào vị trí chủ tịch.
Trong chiều 11/11, vị trí người giàu nhất TTCK Việt suốt 7 năm ông nắm giữ đã có 1 giờ đổi ngôi sang ông Trịnh Văn Quyết, do tài sàn ông Quyết vượt lên mức 31.121 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Vingroup lại giảm khiến tài sản ông Vượng chỉ còn hơn 30.664 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ 1 giờ sau, vị trí này lại quay về với tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam.
Hiện tại, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn là cái tên đứng đầu bảng danh sách này với 31.851 tỷ đồng với 724 triệu cổ phiếu VIC.
Ông Đoàn Nguyên Đức: Tỷ phú 4 lần rớt đại học
Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Năm 1982, ông vào TP.HCM thi đại học nhưng dù cố gắng đến mấy, cả 4 lần đi thi đều không đạt kết quả như ý muốn.
Ông Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ vào năm 1990 có tên xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Kể từ năm 1990 đến nay, doanh nghiệp của ông Đức đã phất lên như diều gặp gió.
|
Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Tập đoàn HAGL, người giàu nhất TTCK Việt Nam năm 2008. Ảnh: Tùng Lê |
Trên đà tăng trưởng mạnh, từ những năm 2000, công ty đã mở rộng hoạt động kinh doanh như sản xuất đá granit, chế biến mủ cao su, sản xuất bao bì, đầu tư kinh doanh dịch vụ khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản… Thời điểm này cũng là lúc bầu Đức cho ra đời cái tên Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), tạo nên huyền thoại trong giới bất động sản sau này.
Năm 2008, lần đầu tiên cổ phiếu của HAGL được niêm yết trên sàn chứng khoán. Với trên 55% số cổ phiếu sở hữu, bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, với giá trị tài sản thời điểm cuối 2008 là 6.159 tỷ đồng.
Thế nhưng, chỉ trong vòng khoảng cuối 2015 đến nay, HAGL đã gánh số nợ hơn 33.000 tỷ đồng từ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này khiến bầu Đức rớt hạng thảm hại và chỉ giữ vị trí 12 trong danh sách. Tài sản của bầu Đức hiện tại ước tính là 1.913 tỷ đồng với 347 cổ phiếu HAG.
Ông Trương Gia Bình “vua” sàn chứng khoán thế hệ đầu
Phó GS-TS Trương Gia Bình sinh năm 1956 quê ở Đà Nẵng, là chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, từng là Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Hà Nội.
Thời phổ thông, ông là học sinh chuyên toán Chu Văn An - Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Toán cơ, Đại học Tổng hợp Moscow năm 1979. Ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Moscow năm 1983 và được nhà nước phong tặng danh hiệu Phó giáo sư năm 1991.
|
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, người giàu nhất TTCK Việt năm 2006. Ảnh: ICTNews. |
Tập đoàn FPT là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tiên niêm yết trên TTCK vào năm 2006. Chỉ trong vòng nửa tháng, giá cổ phiếu FPT đã tăng 46 lần so với mệnh giá, giúp vốn hóa của doanh nghiệp tăng lên gần 28.000 tỷ đồng.
Ông Trương Gia Bình trở thành người giàu nhất trên TTCK năm 2006. Thời điểm đó, ông Bình nắm giữ 5,12 triệu cổ phiếu FPT. Tính theo giá khớp lệnh cổ phiếu FPT ngày 29/12/2006 là 460.000 đồng mỗi cổ phiếu, thì tài sản của ông Bình đạt gần 2.400 tỷ đồng.
Hiện nay, số cổ phiếu nắm giữ của ông tại FPT lên đến 32,6 triệu cổ phiếu. Tổng tài sản của ông là 1.438 tỷ đồng, xếp thứ 17 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Ông Đặng Thành Tâm: Làm ăn lận đận sau ngôi vị giàu nhất
Người giàu nhất TTCK năm 2007 là ông Đặng Thành Tâm. Ông Tâm là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, chủ sở hữu của hai công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp: Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cùng Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), với tổng tài sản năm 2007 lên đến 6.300 tỷ đồng.
Ông Tâm sinh năm 1964, là Kỹ sư Hàng hải (Đại học Hàng Hải, Hải Phòng). Ông từng công tác tại Công ty vận tải biển Sài Gòn (1988-1996). Ngoài ra, ông học thêm hai ngành luật, quản trị kinh doanh và có bằng cử nhân luật, cử nhân quản trị kinh doanh, diplomat kinh tế của Trường Henley Management, Anh quốc.
|
Ông Đặng Thành Tâm, người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2007. Ảnh: Hoàng Hà. |
Năm 2006, ông là thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, thành viên tư vấn cao cấp chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra ông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực thương mại và kinh tế của Việt Nam.
Chỉ một năm giữ ngôi vị người giàu nhất TTCK Việt Nam, ông Tâm nhanh chóng nhường vị trí đầu bảng lại cho ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn HAGL.
Sau những "trầy trật" làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, ông Tâm tuyên bố buông những lĩnh vực ngoài ngành, quay về với giá trị cốt lõi. Song năm 2016 vẫn là năm làm ăn không mấy thuận lợi của vị đại gia này. Hiện tài sản của ông Tâm chỉ còn 1.226 tỷ đồng, xếp vị trí 20 trong bảng xếp hạng người giàu nhất trên TTCK.
Theo Thái Nguyễn/Zing News