Thông tin trên được trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết trong cuộc họp báo chiều 28/3.
"Các bị can đã trục lợi chính sách để hưởng lợi cá nhân với số tiền rất lớn", trung tướng Tô Ân Xô nêu rõ. Ngoài ra, giai đoạn 2018-2022, các bị can và người liên quan còn câu kết với 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở tại 18 tỉnh, thành phố để kiểm định cho gần 40.000 phương tiện.
Trong đó, nhiều xe cơ giới không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đạt kiểm định nhưng vẫn được cấp chứng nhận. Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm này. Theo ông Xô, vi phạm về đăng kiểm gây thiệt hại lớn về kinh tế, hệ lụy về tai nạn giao thông, tác động môi trường...
|
Cảnh chen chúc tại Trung tâm đăng kiểm 29-03V ở Hà Nội. Ảnh: Trương Hiếu |
Đề cập tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm thời gian qua, người phát ngôn Bộ Công an lý giải theo quy định của ngành đăng kiểm, một phương tiện phải trải qua 5 công đoạn với 55 hạng mục cần kiểm định.
"Trước đây xe đi vào không thực hiện đúng quy trình nêu trên, chỉ lấy tiền là xong", ông Xô nhấn mạnh và cho biết hiện các phương tiện đến trạm đăng kiểm phải kiểm tra đủ 55 hạng mục. Đó là lý do xảy ra tình trạng ùn tắc ở các cơ sở này.
Ngoài những nội dung trên, trung tướng Tô Ân Xô phân tích trước đây, các cơ quan quản lý Nhà nước buông lỏng quản lý. Hậu quả là số lượng trung tâm đăng kiểm "mọc ra như nấm". Điều này khiến các cơ sở cạnh tranh nhau, vì lợi nhuận cao nên mới xảy ra tiêu cực.
Việc điều tra các cơ sở đăng kiểm khởi phát từ tháng 12/2022 khi Công an TP.HCM khám xét hàng loạt trung tâm đăng kiểm ở TP này và các tỉnh miền Tây. Tại họp báo Chính phủ ngày 3/3, trung tướng Tô Ân Xô cho biết có hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định trái quy định. Theo ông Xô, số bị can chắc chắn sẽ không dừng lại.
Giữa tháng 1, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã bổ sung vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Theo Hoàng Lam/Zing