Từng là kỹ sư thủy lợi, công tác tại một công ty thủy nông với mức lương ổn định, anh Trần Văn Tân (SN 1979, quê ở Thanh Hóa) đã quyết định về quê trồng rau sau một lần đi công tác.
Theo anh Tân, năm 2017, anh cùng đoàn công tác được sang Nhật Bản tham quan mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) khiến anh vô cùng thích thú.
Trở về Việt Nam, anh bắt tay vào tìm hiểu và nghiên cứu. Cũng trong năm đó, anh quyết định đi học thêm văn bằng 2 ngành Kỹ sư nông nghiệp và bắt tay vào trồng rau theo phương pháp hữu cơ khi nhận thấy quê hương mình có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp.
“Tôi đã tiến hành thuê đất và xin phép chính quyền địa phương chuyển đổi 7,8 ha đất nông nghiệp tại thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong để làm NNCNC”, anh Tân nói.
Sản phẩm dưa lưới Taki được sản xuất tại trang trại của anh Tân đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và có giá bán là 75.000 đồng/kg.
Ban đầu, anh tiến hành xây dựng 1 ha nhà lưới bằng các thiết bị lắp đặt nhập khẩu từ Nhật Bản và được các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp tư vấn, thi công, cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật để trồng dưa lưới Taki. Hệ thống tưới được lập trình tự động và cung cấp lượng thức ăn đủ chất dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng, phát triển.
Chỉ sau 65 ngày kể từ ngày xuống giống, lứa dưa đầu tiên được thu hoạch và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, anh Tân trực tiếp đưa sản phẩm đến các siêu thị chào bán nhưng nhiều nơi lắc đầu.
“Họ bảo, nếu tôi bán bằng giá với những nhà cung cấp dưa lưới khác thì họ mua, không thì thôi bởi vì họ không quan tâm đến các tiêu chuẩn ấy”, anh Tân nhớ lại.
Nhận thấy làm nông nghiệp sạch không chỉ sản xuất ra sản phẩm là đủ mà phải biết tạo dựng thương hiệu, anh tiến hành mở luôn một cửa hàng thực phẩm sạch mang thương hiệu riêng, tự quảng bá và tìm thị trường cho mình.
Thời gian đầu, khó khăn nối tiếp khó khăn khi chi phí đầu tư và vận hành cao trong khi số tiền thu về không nhiều, hầu hết không bù đắp được chi phí. Không nản lòng, bằng ý chí và nỗ lực của bản thân cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, anh dần dần mở rộng thị trường, khẳng định chất lượng sản phẩm và được nhiều người quan tâm.
Đối với các sản phẩm rau củ quả NNCNC, từ khâu sản xuất đến khâu sơ chế và đóng gói, vận chuyển đều được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục lắp đặt thêm khu nhà lưới với diện tích 2.500m2 để trồng rau với 25 loại rau ăn lá, rau gia vị trong nước và nước ngoài. Trong đó 15 loại theo phương pháp thủy canh và 10 loại rau theo hướng hữu cơ như rau muống, xà lách, rau chân vịt, cải xoăn Kale, cải Mizuna Nhật Bản.
Đồng thời, anh cũng tiếp tục đầu tư gần 3,7 ha nhà lưới tại huyện Nông Cống để sản xuất các loại rau củ quả, trong đó chủ chốt nhất là dưa lưới Taki và dưa chuột baby theo tiêu chuẩn VietGap, có tem truy xuất nguồn gốc mã QR Code.
Thành lập công ty của riêng mình, anh đã kết nối được 31 đại lý cấp 1 tại các tỉnh miền Bắc. Sản phẩm rau, củ, quả của trang trại NNCNC của anh có mặt khắp các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị lớn tại Hà Nội và hệ thống bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng cao cấp và các nhà máy trong khu công nghiệp có liên kết với nước ngoài.
Dưa chuột baby được trồng theo hướng hữu cơ, là một trong những sản phẩm chủ lực của trang trại NNCNC của anh Tân.
Cà chua được trồng hoàn toàn theo hướng công nghệ cao.
Mỗi năm, trung bình trang trại NNCNC của anh Tân có thể trồng được từ 15 - 17 vụ rau, thu về trên 350 tấn rau. Nếu chỉ tính giá bình quân 20 triệu đồng/tấn thì mỗi năm trang trại cũng thu về trên 4 tỷ đồng.
Ngoài phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn cho người dân, nông trại của anh còn kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm được khách du lịch, khối trường học tới tham quan và hội viên hội nông dân các địa phương trong tỉnh đến học hỏi mô hình.
“Để vào khu vực nhà lưới của trang trại, khách tham quan phải đi qua khu cách ly khử trùng, thay dày dép, mặc áo. Hệ thống tưới cũng được lập trình tự động hóa và sẽ cung cấp thức ăn theo từng chu kỳ phát triển của cây trồng, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng, phát triển”, anh Tân phân tích.
Nông trại của anh còn kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm được khách du lịch, khối trường học tới tham quan.
Đối với các sản phẩm rau thủy canh, từ khâu sản xuất đến khâu sơ chế và đóng gói, vận chuyển đều được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Theo tính toán, mỗi năm trang trại của anh đạt tổng doanh thu từ 7-9 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động với mức lương từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, theo anh Tân, những người làm NNCNC sẽ gặp khó khăn nhất về vốn. Mỗi mô hình anh đầu tư từ 70-100 tỷ đồng nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển NNCNC và nông nghiệp hữu cơ. Thời gian tới, dự kiến anh sẽ tiếp tục đầu tư khu trồng nho và nuôi lợn để bảo tồn giống lợn đặc sản địa phương.
Với việc không sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm rau-củ-quả của trang trại của anh Tân đã đạt được nhiều hiệu quả lớn.
Đánh giá tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển NNCNC, tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao được áp dụng và đạt được những hiệu quả lớn, Việt Nam rất có tiềm năng trong phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao.
Các chuyên gia cũng cho rằng, NNCNC được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai của nông nghiệp Việt. Trong đó, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa thì ứng dụng phát triển NNCNC không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt, liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.
Theo Danviet