Dưới đây là 8 sai lầm về tiền bạc phổ biến mà bạn nên tránh:
1. Ưu tiên việc học của con cái hơn là tiết kiệm để về hưu
Hiển nhiên việc học của con bạn là điều quan trọng, nhưng theo Michael Egan - chuyên gia tư vấn tài chính tại Egan, Berger & Weiner, "ưu tiên số một của bạn ở tuổi 30, kể cả khi đã có gia đình, vẫn phải là tiền về hưu". Nếu không dành đủ tiền cho mình, con cái sẽ phải hỗ trợ bạn sau này. Tính dài hạn, số tiền đó có khi còn lớn hơn học phí của con bạn bây giờ.
2. Ưu tiên mua đồ hơn mua trải nghiệm
Ai cũng xem vô số các quảng cáo mỗi ngày. Thật khó để tránh "liệu pháp mua đồ" nhằm vỗ về, giải tỏa cho bản thân. Vấn đề là: Cách đó không hiệu quả.
Một nghiên cứu về sự giàu có cho thấy việc tiêu tiền vào vật chất không chỉ thất bại trong việc làm chúng ta hạnh phúc, mà còn khiến ta cảm thấy càng khốn khổ. Nếu bạn muốn tiêu tiền mà không phải hối tiếc, hãy mua một trong hai thứ:
- Trải nghiệm.
- Sự phục vụ giúp bạn có thêm thời gian.
3. Không có mục tiêu tài chính rõ ràng
Ryan Marshall, nhà hoạch định tài chính tại Ela Financial Group cho rằng, nếu bạn chưa có bất kỳ mục tiêu tài chính nào thì tuổi 30 là lúc thích hợp để tạo kế hoạch ngắn và dài hạn.
"Hầu hết người ở tuổi 60 tôi gặp đều ước rằng họ đã lên kế hoạch cho việc nghỉ hưu ở tuổi 30 hoặc sớm hơn", Marshall cho biết thêm.
Dù mục tiêu là muốn tiết kiệm khoản tiền nghỉ hưu, lập quỹ khẩn cấp hay mua nhà, thì bạn cũng nên lập kế hoạch ngay từ bây giờ, Doughlas Benepart, nhà sáng lập và Chủ tịch của Bone Fide Wealth chia sẻ quan điểm.
Theo ông, không đặt mục tiêu là sai lầm lớn nhất nhiều người mắc phải ở tuổi 30. Vì việc lên kế hoạch giúp bạn có hướng đi rõ ràng và đặt ra mốc thời gian để đạt được những mục tiêu to lớn như độc lập tài chính, mua nhà, sinh con, hoặc kinh doanh.
4. Mua nhà vượt khả năng
Một lời khuyên hữu ích, chúng ta không thể ở nhà 24h để có thể tận hưởng nếu cố gắng mua một căn nhà thật to. Nhà ở là cần thiết nhưng nếu tài chính chưa vững vàng bạn không nhất thiết phải vay mượn, xoay sở để sở hữu ngôi nhà vượt khả năng.
Hình thức mua nhà trả góp ngày càng phổ biến, người mua phải dành chính khoản lương cho khoản thế chấp. Khoản tiết kiệm khi đó thường bị lãng quên, điều đó có nghĩa bạn sẽ cần phải trả nợ mỗi khi có một khoản chi phí lớn, bất ngờ xuất hiện.
Tệ hơn nữa, bạn sẽ mất đi cơ hội đầu tư ở những năm dồi dào cả về sức khỏe và cơ hội. Chi phí cơ hội là không thể phục hồi. Bỏ lỡ cơ hội đồng nghĩa với khoản tiền tiết kiệm hưu trí của bạn sẽ nhỏ đi.
5. Rút tiền từ quỹ tiết kiệm, bỏ ngang đóng bảo hiểm xã hội
Hãy lập quỹ khẩn cấp để dùng cho những chi phí không ngờ tới như hóa đơn y tế hay tai nạn xe cộ. Quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn tránh nợ nần và yên tâm tinh thần, không phải rút bớt khoản tiền đã tiết kiệm cho mục đích khác.
Khi bỏ việc hiện tại và bắt đầu một vị trí mới, bạn cũng hãy nhớ chuyển bảo hiểm. Đó là khoản để dành cho tuổi về hưu và nên được ưu tiên.
6. Tiêu phóng tay cho ôtô
"Người ta thường chán xe rất nhanh. Họ luôn muốn có cái mới và sau đó lại gặp khó khăn với việc trả nợ. Đừng quên nó là tài sản khấu hao rất nhanh. Anh sẽ không muốn chi cả núi tiền cho một thứ mà chẳng đáng giá là bao sau vài năm", Egan khuyên.
Một chiếc xe hơi nên được sử dụng trong khoảng 10 năm. Sau khi mua cái mới, hãy đảm bảo bạn trả hết tiền vay mua xe trong 5 năm. Như vậy, bạn sẽ có 5 năm còn lại để tiết kiệm. Nếu bảo dưỡng tốt, bạn còn có thể kiếm được khoản kha khá khi bán đi, bù thêm vào số tiền mua xe mới.
Một lựa chọn khác là quên xe mới đi và mua xe cũ. Bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền đấy.
7. Mức tiêu tăng lên theo thu nhập
Điều này rất dễ thấy: Bạn có thu nhập tốt hơn nên có thể tận hưởng lối sống thoải mái, xa xỉ hơn vì đã làm việc chăm chỉ và xứng đáng được như vậy.
Nhưng câu "tôi xứng đáng" có thể là cánh cửa dẫn đến sự lạm phát về lối sống, đó là khi mức tiêu xài liên tục tăng lên cùng với mức kiếm được. Điều này sẽ khiến bạn chẳng bao giờ đạt được tới mục tiêu dài hạn về tài chính.
Một quy tắc cần nhớ là luôn tiêu ít hơn thu nhập, tối thiểu hóa các chi phí giúp bạn tiết kiệm và đầu tư được nhiều hơn, đi cùng với việc tương lai sẽ có nhiều lựa chọn, được tự do, linh hoạt hơn.
8. Không lập kế hoạch cho chi phí y tế khi nghỉ hưu
Chúng ta về già không thể tránh khỏi bệnh tật. Nếu may mắn, bạn sẽ chỉ gặp phải những căn bệnh phổ biến và không gây tốn kém. Nhưng một tình huống xấu xảy ra, nếu bạn mắc bệnh nặng và phải thường xuyên lui tới bệnh viện. Điều đó sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong chi trả viện phí. Hãy tham gia những dịch vụ bảo hiểm về sức khỏe hàng năm và thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
Trong khoản tiết kiệm cho hưu trí hãy dành một phần cho chăm sóc sức khỏe. Nếu chẳng may bạn mắc căn bệnh nào đó khi còn trẻ hãy lưu ý và tích góp nhiều hơn cho khoản tích lũy.
Tóm lại, rất nhiều thứ bạn cần phải lập kế hoạch cho ngân sách của chính mình. Nghiên cứu, đặt mục tiêu và kỷ luật đối với bản thân. Hãy kiểm soát tài chính của bạn ngay bây giờ và có thói quen cân nhắc kỹ lưỡng đưa ra quyết định tài chính sáng suốt.
Theo Lily/Gia đình & Xã hội