Ai đang sở hữu Bamboo Airways?

Google News

Dù Tập đoàn FLC đã không còn là công ty mẹ của Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết vẫn cho biết cá nhân ông và FLC đang sở hữu trên 80% cổ phần hãng hàng không này.

Đây là chia sẻ của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra sáng nay (12/4).

Cụ thể, trả lời câu hỏi của cổ đông về cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần lớn nhất tại Bamboo Airways sau khi FLC giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống dưới 51%, ông Quyết cho biết cá nhân ông và FLC vẫn là chủ sở hữu hãng hàng không này với trên 80% vốn.

Ngoài ra, khoảng 10% vốn tại Bamboo Airways hiện thuộc sở hữu của cán bộ nhân viên FLC và số còn lại là sở hữu của cổ đông bên ngoài.

Trước đó, FLC đã có thông báo về việc Bamboo Airways không còn là công ty con khi tập đoàn này giảm tỷ lệ sở hữu trực tiếp tại đây từ 51,29% xuống 39,4% trong đợt tăng vốn đầu tháng 2 của hãng.

Vì vậy, dù cá nhân ông Quyết và FLC vẫn nắm 80% vốn tại Bamboo Airways nhưng kết quả kinh doanh của hãng hàng không này sẽ không được hợp nhất vào báo cáo của FLC từ quý I/2021.
Ai dang so huu Bamboo Airways?
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của FLC diễn ra sáng nay (12/4). Ảnh: FLC.
Trong kế hoạch phát triển mảng hàng không năm nay, ông Quyết cho biết FLC và Bamboo Airways dự kiến nâng số lượng máy bay trong đội lên ít nhất 40 chiếc (kỳ vọng 50 chiếc) và mở rộng mạng lưới đường bay lên 70-80 đường.

Kỳ vọng tăng trưởng này cũng đi kèm với việc hãng hàng không sẽ chiếm được khoảng 30% thị phần bay nội địa trong năm nay.

Bên cạnh đó, ông Quyết cũng cho biết kế hoạch niêm yết cổ phiếu Bamboo Airways dự kiến diễn ra sớm nhất vào quý II và chậm nhất là quý III tới. Giá khởi điểm của cổ phiếu hàng không này vào khoảng 60.000 đồng/đơn vị.

Cũng tại đại hội sáng nay, FLC đã đưa ra phương án chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận luỹ kế năm 2021 với tỷ lệ 10% (bằng cổ phiếu hay tiền mặt sẽ do HĐQT quyết định) và kế hoạch phát hành 496 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên trên 12.000 tỷ đồng.
Ai dang so huu Bamboo Airways?-Hinh-2
Kế hoạch trên dự kiến được triển khai từ quý II với tỷ lệ phát hành 10:7 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu FLC cũ được quyền mua thêm 7 cổ phiếu mới), giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, FLC có thể thu về gần 5.000 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ nếu chào bán thành công cho các cổ đông hiện nay.

Số tiền thu về sẽ được tập đoàn sử dụng để đầu tư vào 8 dự án bất động sản (4.500 tỷ) và bổ sung vốn lưu động (gần 470 tỷ). Một số dự án tiêu biểu dự kiến được rót thêm vốn là Đô thị Cao Xanh – Hà Khánh (Quảng Ninh); giai đoạn 2 quần thể FLC Quảng Bình; dự án nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch…

Bên kế hoạch tăng vốn trên, FLC cũng trình cổ đông và được thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn 3 năm. Số tiền này được huy động nhằm bổ sung vốn cho các dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt (Sóc Trăng); Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo (Hà Giang); Khu đô thị mới Vị Thanh (Hậu Giang)…

Lô trái phiếu này có lãi suất không vượt quá 14%/năm nếu áp dụng lãi cố định và bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ tối đa 3,5%/năm nếu áp dụng thả nổi.

Năm 2021, ban lãnh đạo FLC đặt mục tiêu ghi nhận 15.250 tỷ đồng doanh thu hợp nhất (nếu tính cả Bamboo Airways thì tổng doanh thu ước đạt khoảng 30.000 tỷ) và thu về khoản lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt gần 900 tỷ, tăng gấp 3 lần so với 2020.
Theo Quang Thắng/Zing