Hàng nghìn cá nhân kinh doanh nhưng không nộp thuế
Hàng ngày, khi mở trang cá nhân Facebook hay vào mạng Internet, người dùng thường xuyên được kết nối tới các mục quảng cáo, rao vặt hay những địa chỉ mua bán online. Chính tiện ích này khiến việc mua bán hàng qua mạng Internet diễn ra rầm rộ và đem lại cho người kinh doanh những khoản thu không hề nhỏ.
Hoạt động mua bán online diễn ra ngày càng sôi động, tuy nhiên, cơ quan thuế rất khó nắm bắt được doanh thu của người kinh doanh do họ không biết và cũng không muốn thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, kê khai và nộp thuế cho Nhà nước. Trong khi đó, thói quen mua hàng không lấy hóa đơn, trao trả bằng tiền mặt của người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho người kinh doanh trốn thuế.
|
Hoạt động mua bán online diễn ra ngày càng sôi động (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, qua rà soát, riêng hoạt động kinh doanh phần mềm, xây dựng cung cấp các trò chơi trên mạng, Cục Thuế Hà Nội xác định có hơn 1.100 cá nhân trên địa bàn tham gia với tổng doanh thu trong 3 năm (2017-2019) lên tới 4.800 tỷ đồng, trong đó, riêng một người có thu nhập lên tới 140 tỷ đồng từ các nhà mạng.
Trước đó, trong năm 2019, Cục Thuế Hà Nội đã xử lý trên 30 trường hợp không nộp thuế với tổng số tiền truy thu 18 tỷ đồng.
Về chính sách thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), ông Hùng cho biết, Thông tư 92 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định rõ các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế. Cụ thể, các cá nhân có thu nhập từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube thuộc diện cá nhân kinh doanh và phải khai nộp thuế theo tỉ lệ 5% giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp không kê khai và nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Chế tài xử lý là người nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế.
"Cơ quan thuế mong người nộp thuế chủ động, tự giác kê khai và nộp thuế theo đúng quy định. Hạn kê khai và nộp thuế là trong vòng 30 ngày, từ nay đến cuối tháng 7. Trường hợp cá nhân nào cố tình không kê khai và nộp thuế thì cơ quan thuế Hà Nội sẽ có những biện pháp cưỡng chế để truy thu thuế phải nộp qua ngân hàng theo đúng quy định", ông Hùng cho biết thêm.
Cần sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc thu thuế kinh doanh trên mạng tương đối khó, do cơ quan thuế không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động kinh doanh trên các mạng này. Đặc biệt, trong bối cảnh các loại hình kinh doanh qua mạng đang có xu thế bùng nổ nhanh chóng.
“Việc kiểm tra giám sát phải thường xuyên, liên tục nhưng với kinh doanh qua mạng thì rất khó vì một chủ thể kinh doanh có thể lập nhiều tài khoản trên các mạng khác nhau để kinh doanh. Do đó, việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
|
Hoạt động kinh doanh TMĐT ngày càng phát triển là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh minh họa: KT) |
Theo ông Thịnh, sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngân hàng cũng như các nhà mạng thời gian qua vẫn chưa chặt chẽ, bài bản. Do không có sự quản lý một cách đầy đủ của phía cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cũng như sự phối kết hợp giữa các nhà mạng, cơ quan thuế, sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại và chế tài xử phạt chưa nghiêm nên mới xảy ra tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh qua mạng.
“Nếu các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên mạng nhưng không kê khai thì cần có cơ chế phạt, thậm chí phạt thật nặng như cấm kinh doanh hoặc phạt tiền với mức cao để buộc họ phải thực thi đúng quy định của pháp luật”, ông Thịnh nêu ý kiến.
Theo đại diện Cục Thuế Hà Nội, hoạt động kinh doanh TMĐT hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các ngành, các cấp trong giai đoạn hiện nay.
“Với nền tảng là công nghệ thông tin, hoạt động trên không gian mạng, các giao dịch diễn ra không phụ thuộc vào vị trí, khoảng cách địa lý, vì vậy, hoạt động kinh doanh TMĐT có sự phát triển rất nhanh và mạnh. Do đó, công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác quản lý trong lĩnh vực thuế nói riêng cần có những phương pháp tiếp cận mới, cách quản lý mới để thực hiện quản lý có hiệu quả”, ông Viên Viết Hùng nói.
Lãnh đạo Cục thuế Hà Nội cho biết thêm, từ 2017, đơn vị đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích người nộp thuế có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử tự giác đăng ký, kê khai và nộp thuế theo quy định. Đồng thời, để quản lý thuế đối với hoạt động này, cục thuế đã phối hợp với các ngân hàng để rà soát các tài khoản chuyển tiền của các đơn vị nhà thầu nước ngoài như: Google, Apple, Booking, Agoda… từ đó, tra soát các tổ chức, cá nhân nhận tiền tại Việt Nam.
“Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị sàn TMĐT, các tổ chức trung gian vận chuyển để rà soát các shop bán hàng trực tuyến để phân loại đối tượng quản lý”, ông Hùng cho biết.
Sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần bắt kịp xu hướng này để có thể thiết kế được một cơ chế quản lý thuế hiệu quả, không làm cản trở quyền tự do kinh doanh cũng như sáng tạo.
Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2020 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ rất lớn trong quản lý thuế đối với cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube... góp phần ngăn chặn trốn thuế. Theo quy định trong Luật Quản lý thuế sửa đổi, ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về số tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản tại ngân hàng. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới, ngành Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin để xác định nguồn tiền, đảm bảo ngăn chặn được trốn, tránh thuế.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN