Dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh có tính chất đặc biệt quan trọng, bên cạnh những lợi ích kinh tế còn có ý nghĩa về mặt chính trị, an ninh quốc phòng của quốc gia; khẳng định trách nhiệm, quyền điều hành bay, đảm bảo các hoạt động an ninh hàng không trên biển Đông của ngành không lưu Việt Nam. Dự án có tính chất cấp bách cần được khẩn trương triển khai để đảm bảo khai thác đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh - ATCC/HCM này sẽ thay thế Trung tâm kiểm soát không lưu hiện hữu đã bắt đầu hết tuổi thọ, công nghệ lạc hậu một phần, các hệ thống hạ tầng, trang thiết bị đã bắt đầu xuống cấp. Trung tâm kiểm soát không lưu mới sẽ bảo đảm cho việc cung cấp dịch vụ kiểm soát tiếp cận cho cảng HKQT Long Thành khi giai đoạn 1 được hoàn thành vào cuối năm 2025 và cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
|
Phối cảnh Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh mới. (Ảnh: VATM). |
Trung tâm mới bao gồm tòa nhà điều hành chính với diện tích 2.360 m2 tại quận Tân Bình, nhà trạm kỹ thuật điện, hai tháp ăng-ten cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị chuyên ngành, công trình phụ trợ. Dự án do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 15/2, dự kiến hoàn thành tháng 5/2025.
Đây là công trình điều hành bay đường dài, cụm kiểm soát tiếp cận cho các cảng hàng không quốc tế từ khu vực tỉnh Phú Yên vào đến tỉnh Cà Mau và bao gồm Cảng hàng không Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Tại buổi lễ khởi công, ông Nguyễn Công Long, quyền Tổng Giám đốc VATM cho biết, dự án xây dựng Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh sẽ đáp ứng cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay như: kiểm soát không lưu, giám sát hoạt động bay, thông tin liên lạc hàng không, quản lý luồng không lưu cho các hoạt động bay dân dụng, vận tải quân sự và các hoạt động bay chuyên dùng khác.
|
Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Công Long phát biểu tại lễ khởi công (Ảnh: VATM). |
Về kết quả hoạt động kinh doanh, theo lãnh đạo VATM, trong năm 2023, sản lượng điều hành bay ước đạt hơn 750 nghìn chuyến, bằng 114,55% so với kế hoạch năm 2023. Tổng doanh thu ước đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 38,5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế tăng hơn 154% so với năm 2023, ước đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Trải qua hơn 30 năm hoạt động VATM đã trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt vùng thông báo bay Hồ Chí Minh với các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.
Các loại dịch vụ không lưu VATM đang cung cấp gồm: Dịch vụ điều hành bay đường dài, dịch vụ kiểm soát tiếp cận, dịch vụ kiểm soát tại sân bay; Dịch vụ thông báo bay; Dịch vụ tư vấn không lưu; Dịch vụ báo động…
Năm 2019, khi chưa xảy ra dịch COVID-19, tổng doanh thu của VATM đạt hơn 6.300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 3.400 tỷ đồng. Từ năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động hàng không toàn cầu gián đoạn, doanh thu của VATM giảm theo. Năm 2024, VATM đặt mục tiêu có tổng sản lượng điều hành bay đạt gần 790 nghìn chuyến, tổng doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Minh Châu (t/h)