Ám ảnh... chim yến ở phố biển Rạch Giá

Google News

Lợi nhuận cao, lại có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi, gần đây, phố biển Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đang nở rộ nghề nuôi, dụ chim yến.

Chính quyền đang rốt ráo chấn chỉnh hệ lụy của nghề dụ chim trời đầy may rủi này.
Nhà nghỉ, phòng khám cũng nuôi yến
Vừa đáp xuống TP.Rạch Giá sau chặng đường dài hàng trăm kilomet vào nhận công tác ở địa bàn mới. Mệt mỏi, tôi chọn ngẫu nhiên một nhà nghỉ ở đường Lạc Hồng, phường Vĩnh Lạc (TP.Rạch Giá) để nghỉ ngơi. Căn phòng tôi ở nằm trên tầng 3, cũng là tầng cuối của tòa nhà.
Một nhà nuôi chim yến ở phường An Hòa (TP.Rạch Giá) gây bức xúc cho hộ dân xung quanh. Ảnh: Trần Tuấn. 
Thoáng nghe tiếng chim kêu. Mà là tiếng kêu liên tục không ngớt, lần theo âm thanh, hóa ra đó chỉ là tiếng chim... nhân tạo. Nói chính xác là âm thanh phát ra từ bộ loa được ghi âm tiếng chim yến rồi phát lại nhằm dụ đàn yến về làm tổ trong cái chuồng ở nóc nhà mà người ta đã cải tạo để dụ yến.
Đưa mắt nhìn sang mái ngói những nhà bên cạnh, rồi xa hơn, hóa ra rất nhiều ngôi nhà ở thành phố này, phía trên nóc đều được cơi nới, cải tạo thành nhà nuôi yến. Tiếng dụ chim yến phát ra làm tôi không thể nghỉ ngơi được.
Thắc mắc, xuống hỏi cô chủ nhà nghỉ, rằng đã làm dịch vụ nghỉ ngơi cho khách, sao vẫn nuôi yến gây tiếng ồn dễ khiến khách một đi không trở lại, cô chủ thản nhiên đáp: “Ở đây hầu hết khách sạn, nhà nghỉ nào cũng vậy à, nên khách khó có lựa chọn khác”. Nói rồi cô chủ động viên, thôi gắng ở tạm, lúc nào những phòng ở tầng dưới trả sẽ đổi phòng cho, khi đó đỡ ồn hơn!
Để kiểm chứng những gì cô chủ kia nói, tôi chạy xe lòng vòng qua nhiều ngã đường ở thành phố biển này. Hóa ra, lời cô ấy hoàn toàn đúng. Có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn từ bình dân đến sang trọng đều phát ra âm thanh dụ chim yến inh tai.
Lạ hơn, một tòa nhà 5 tầng cũng ở đường Lạc Hồng treo biển “Cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền”, nhưng phía trên vẫn dành hẳn một lầu dụ, nuôi chim yến. Chưa bước chân vào phòng khám, đã nghe tiếng dụ yến réo rắt, nhức tai.
Ù tai, nhức óc vì... tiếng dụ chim
Anh Nguyễn Văn Hưởng, nhà ở đường Đinh Lễ (phường An Hòa) sống cạnh một ngôi nhà 3 tầng cửa đóng then cài, thiết kế chỉ dành nuôi yến, bức xúc nói: “Đau tai, nhức óc lắm chú ơi. Người ta mở loa để dụ suốt ngày, suốt đêm. Mình đi làm về mệt mỏi muốn có khoảng thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi mà không thể. Ý kiến nhiều lần lên phường, lên thành phố rồi mà không có gì thay đổi. Đành chấp nhận sống chung với nó chứ không có cách nào khác”.
Anh Hưởng còn kể, ngoài tiếng ồn, chim yến ở nhà bên cạnh còn bay rồi ị đầy mái nhà của gia đình mình, nhiều khi quần, áo đang phơi ngoài trời bị nó ị trúng phải cuốn giặt lại.
Chung cảnh ngộ, bà Lý Thị Thu Trang (54 tuổi) sống bên cạnh than phiền “Người ta nuôi đâu đã 10 năm nay rồi. Họ có tiền, cất nhà dành riêng để dụ nuôi yến, lâu lâu mới thấy về thăm một lần rồi sau đó thu hoạch, lấy về bộn tiền. Trong khi mình hằng ngày, hằng giờ bị tra tấn bởi tiếng ồn dụ chim”.
Bà Trang còn ngán ngẩm kể, đã nhiều lần gia đình bà có ý kiến lên chính quyền. Sau đó, chủ nuôi có về giảm tiếng loa dụ chim được vài hôm, rồi lại tăng loa lên như thách thức cả hàng xóm. Hỏi tại sao không cùng nuôi yến như người ta, bà Trang nói, để nuôi được yến, cần phải có nhà cao tầng, rồi đầu tư thiết bị, âm thanh... để dụ. Còn gia đình bà không có điều kiện để theo nghề này.
Theo lời bà Trang, những hộ nuôi yến đa phần là người kinh doanh, buôn bán, rồi cán bộ nhà nước mới có tiền đầu tư.
Dạo đến đường Huỳnh Tấn Phát, phường Vĩnh Hiệp, cũng rất nhiều nhà dân, khách sạn, nhà nghỉ cải tạo nuôi yến. Ghé đến một ngôi nhà 3 tầng mới xây mà đàn yến đang bay nhao nhác ở phía trên kèm theo tiếng dụ yến nhói tai, hỏi một phụ nữ trạc tuổi là hàng xóm, thì bà này cho biết, căn nhà lớn mới cất được khoảng 7 tháng nay.
“Nhà đó là của hai vợ chồng cùng làm bác sĩ. Người ta có nghề ổn định mà vẫn nuôi yến nữa đấy” - bà này nói. Hỏi có bị tiếng dụ yến làm phiền không, bà nói thời gian đầu rất khó chịu, nhưng rồi lâu quá thành quen. Bà tỏ ra ái ngại, lắc đầu vì sợ mất tình làng nghĩa xóm khi tôi hỏi đến tên, tuổi.
Dạo thêm nhiều tuyến đường, con hẻm, ngõ ngách khác quanh phố biển Rạch Giá này, ở đâu, lúc nào tôi cũng nghe tiếng dụ yến, thấy đàn yến bay lượn lờ bên trên.
“Đau đầu” trong xử lý
Là phường có nhiều người nuôi yến nhất ở Rạch Giá với con số hơn 150 hộ, ông Lại Tú Nguyên - Phó Chủ tịch phường Vĩnh Lạc - nói rằng vì lợi ích kinh tế mang lại từ nghề nuôi yến rất cao, có nhà trúng thì mỗi tháng thu về từ 3-4kg tổ yến.
Với giá bán hiện nay là 18-20 triệu đồng/kg thì đã thu về từ 60-80 triệu đồng/tháng. Lợi nhuận “khủng” đó khiến khoảng 3 năm lại nay, nghề nuôi yến phát triển rầm rộ không chỉ ở phường của ông, mà cả ở các phường khác.
Hệ lụy là vừa qua, có rất nhiều hộ dân có đơn thư phản ánh, than phiền lên phường về tình trạng nhiều hộ nuôi yến mở loa dẫn dụ quá lớn, mở suốt ngày, đêm. Rồi quần áo phơi bị chim ị trúng, phân chim đầy trên mái nhà mất vệ sinh...
Ông Nguyên còn cho biết, phường cũng chỉ mới lập biên bản, nhắc nhở các hộ nuôi yến mở loa dẫn dụ quá lớn chứ cũng chưa xử phạt trường hợp nào.
“Ở góc địa phương, chúng tôi cũng rất đau đầu trong việc xử lý, giải quyết” - ông Nguyên thừa nhận.
Ông Đặng Thanh Vân - Phó Chủ tịch UBND phường An Hòa (là phường có khoảng 100 hộ nuôi yến, chỉ sau phường Vĩnh Lạc) - nói rằng, phường đã nhận được nhiều phản ánh của nhân dân than phiền về ảnh hưởng từ việc nuôi yến. Phường cũng đã lập biên bản, xử phạt hành chính một số trường hợp nhưng sau đó người ta vẫn không chấp hành, vẫn mở loa dụ yến lớn, mở suốt ngày, đêm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
“Có nhiều trường hợp người ta chỉ xây nhà nuôi yến mà không có người ở bên dưới. Khi chúng tôi đến kiểm tra không biết chủ là ai. Hỏi những nhà hàng xóm xung quanh họ cũng không biết. Một số trường hợp khác thì trốn tránh khi đoàn đến kiểm tra” - ông Vân kể.
Ông Dư Hoàng Nguyên - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng TP.Rạch Giá - thông tin rằng, hiện tất cả 12 phường, xã ở Rạch Giá đều có hộ nuôi, dụ yến với con số gần 500 hộ (cả tỉnh Kiên Giang là 700 hộ nuôi - số liệu được nêu trong chỉ thị số 537, ngày 12.3.2018 của UBND tỉnh Kiên Giang về chấn chỉnh nghề nuôi yến). Trong đó, nhiều nhất là ở các phường gần biển như Vĩnh Lạc, An Hòa, Vĩnh Quang...
Nghề nuôi yến ở phố biển này đã có từ hơn chục năm, nhưng rộ lên nhanh nhất là khoảng vài năm nay khi nhiều hộ dân đua nhau cải tạo, cơi nới nhà cửa để dụ nuôi. Khi nhiều hộ gần nhau cùng nuôi thì để cạnh tranh, dụ được nhiều hơn, người ta đua nhau tăng âm thanh dẫn dụ, mở với tần suất cao, liên tục khiến nhiều hộ dân khác bị phiền nhiễu nên phản ánh, than phiền lên chính quyền. Đó là chưa kể lo ngại tình trạng lây lan dịch bệnh, ô nhiễm phân chim, ảnh hưởng sức khỏe con người.
“Lâu nay chúng tôi đã nhắc nhở, xử lý. Đặc biệt, từ khi có chỉ thị của UBND tỉnh vào đầu tháng ba vừa qua thì chúng tôi đã tăng cường xử lý mạnh hơn” - ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng, hiện việc xử lý về âm thanh dẫn dụ chim yến quá lớn chưa có chế tài để xử phạt, mà chỉ nhắc nhở, bởi Thông tư 35 đã bãi bỏ (?!). Thực hiện theo chỉ thị của UBND tỉnh Kiên Giang, thành phố đang tập trung kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm khi tự ý cơi nới, xây dựng nhà nuôi yến trái phép, vi phạm về Luật Xây dựng để chấn chỉnh, xử phạt. Thành phố cũng đang chờ hướng dẫn, quy định cuối cùng của UBND tỉnh Kiên Giang để có căn cứ, chế tài xử lý các hộ vi phạm.
Ông Nguyên cũng chia sẻ rằng, với lợi nhuận cao từ nghề nuôi yến, chính quyền nên tạo điều kiện, có quy hoạch cụ thể để nghề này phát triển góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở có cơ chế quản lý rõ ràng để hạn chế thấp nhất hệ lụy của nó.
Theo Trần Tuấn/Vietnamnet