“Ẵm nợ” hơn 11 nghìn tỷ, Tổng Cty Sông Đà đang làm ăn thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù được cổ phần hóa từ 4/2018, nhưng đến cuối 2019 tình hình tài chính của Tổng Công ty Sông Đà vẫn không mấy sáng sủa, doanh nghiệp này “ẵm nợ” hơn 11 nghìn tỷ đồng, các Công ty con thì rơi vào tình trạng thua lỗ.

Doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh
Bộ Tài chính mới đây đã có báo cáo tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng Công ty Sông Đà. Trong đó, tổng doanh thu của Công ty mẹ đạt 1.814 tỷ đồng, giảm 860 tỷ đồng so với năm 2017, tương đương giảm 32,2%.
Lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 chỉ đạt 22,4 tỷ đồng, giảm 145 tỷ đồng so với năm 2017, tương đương giảm 86,7%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu và lợi nhuận của Tổng Công ty Sông Đà giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu đạt hơn 6.300 tỷ đồng, giảm gần 3.400 tỷ đồng so với 2017. Lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 221 tỷ đồng so với 2017.
“Am no” hon 11 nghin ty, Tong Cty Song Da dang lam an the nao?
Trụ sở Tổng Công ty Sông Đà. (Ảnh: Vietnamnet). 
"Ẵm nợ" hơn 11 nghìn tỷ
Bộ Tài chính cho biết, hệ số nợ phải trả của Tổng Công ty Sông Đà lên đến hơn 11.000 tỷ đồng và nợ phải thu trên 8.000 tỷ. Tình hình công nợ của Công ty mẹ Tổng Công ty Sông Đà chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp Công ty mẹ con và Công ty liên kết.
Cũng theo Bộ Tài chính, Tổng Công ty Sông Đà bị lỗ một số khoản, mất vốn khi đầu tư vào Công ty CP Sông Đà 3 (lỗ lũy kế 188 tỷ đồng), Công ty CP PCCC và ĐTXD Sông Đà (âm vốn chủ sở hữu hơn 11 tỷ đồng), Công ty CP Sông Đà 12 (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng),…
Trong khi đó, nợ phải thu tại Công ty CP Ximăng Hạ Long khoảng 2.700 tỷ đồng, Công ty CP Điện Việt Lào hơn 800 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Nậm Chiến gần 700 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 1 gần 300 tỷ, Công ty TNHH Điện Xekaman 3 khoảng 560 tỷ đồng.
Tuy vậy, một số khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ Tổng Công ty Sông Đà mang lại hiệu quả như Công ty CP Sông Đà 4, 5, 6, 9 ,10,...
Tổng Công ty Sông Đà cũng đang đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng vào 38 Công ty con, Công ty liên kết (khoảng 3.500 tỷ đồng Công ty con; khoảng 2.500 tỷ đồng Công ty liên kết; góp vốn kinh doanh khoảng 150 tỷ đồng).
Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý tới khoản đầu tư tài chính khoảng 1.100 tỷ đồng của Tổng Công ty Sông Đà vào Công ty CP Điện Việt Lào. Công ty này có 3 Công ty con, trong đó Công ty TNHH thủy điện Xekaman 3 - có dự án thủy điện Xekaman 3 vẫn tiếp tục bị dừng do gặp sự cố từ tháng 12/2016. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 3,75 lần, trong đó vay và nợ thuê tài chính là hơn 9.500 tỷ đồng, chiếm 81% tổng nợ phải trả.
Hồi đầu năm 2019, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, Tổng Công ty Sông Đà đang quản lý, sử dụng 46 khu đất với tổng diện tích hơn 64,3 triệu m2, trong đó có 44 khu đất được giao để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc, 2 khu đất được giao để thực hiện dự án khu dân cư.
Thế nhưng, việc đầu tư vào nhiều dự án thủy điện tại Việt Nam và Lào, dự án BOT chậm thu hồi vốn đã đẩy số nợ phải thu của Tổng Công ty lên tới 10,7 nghìn tỷ đồng, nợ quá hạn khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng.

Tiền thân Tổng Công ty Sông Đà là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1961. Ngày 26/3/2018, Tổng Công ty Sông Đà tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần đầu, chuyển đổi từ mô hình Tổng Công ty Nhà nước sang mô hình Tổng Công ty cổ phần.