“Tử thần” Amazon
Thông tin Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam trong tháng 3 này đang khiến giới bán lẻ xôn xao. Có thể nói, Amazon sẽ chính thức "đặt chân" vào thị trường Việt Nam sau một thời gian đồn đoán về kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam. Trước đó, cuối tháng 7/2017, Amazon cũng đã chính thức triển khai dịch vụ giao hàng trong ngày Prime Now tại Singapore, đánh dấu cho việc mở màn cho cuộc tấn công vào thị trường Đông Nam Á.
|
Amazon khuấy đảo nhiều thị trường |
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục.
Dự báo, đến năm 2020, mô hình TMĐT doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng 20%/năm. Riêng trong nhóm ngành điện máy, theo dự báo của Euromonitor International, từ năm 2015 đến năm 2020, bán lẻ trực tuyến hàng điện máy sẽ tăng trưởng trên 30% mỗi năm, đạt con số 20.985 tỷ đồng vào năm 2020. Chính thế, Amazon không thể bỏ qua một trong những thị trường đầy tiềm năng.
Trước khi vào Việt Nam, Amazon đã làm điêu đứng không ít thị trường. Ngành bán lẻ Mỹ đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng do sự phát triển đột phá của “tử thần” Amazon. Với những điểm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, Amazon đang vươn lên trở thành một kênh thương mại điện tử có lượng người tin tưởng mua hàng cao nhất.
Với sự phát triển như vậy, các cửa hàng, công ty bán lẻ đang bị đe dọa trực tiếp. Hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh, lượng người lao động làm việc trong lĩnh vực này cũng sụt giảm một cách nhanh chóng.
Amazon tiếp tục khiến ngành bán lẻ trực tiếp choáng váng khi thâu tóm chuỗi siêu thị hữu cơ Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Amazon thâu tóm các cửa hàng kinh doanh truyền thống có thể là một cách để hãng thống trị tốt hơn nữa mảng bán lẻ trực tuyến.
Trong lịch sử hoạt động của mình, Amazon chưa bao giờ tung ra số tiền lớn đến như vậy để mua lại bất kỳ công ty nào. Vụ thâu tóm giá trị lớn nhất của Amazon là vào năm 2014 khi hãng đồng ý mua lại dịch vụ chia sẻ video của Twitch với giá 970 triệu USD.
Cổ phiếu của Amazon hiện đã tăng tới 30% từ đầu năm và con số này cao hơn cả một nửa những công ty bán lẻ đang được niêm yết tại Mỹ.
Cuộc chiến ngày càng gay cấn
Câu chuyện Amazon vào Việt Nam đã làm nóng thị trường bán lẻ trực tuyến. Các đối thủ của Amazo đã nhanh chân tới trước và đặt nền móng.
Mạng lưới trực tuyến khổng lồ Alibaba đã bắt đầu xâm nhập mạnh mẽ của mình. Bằng việc gia tăng số cổ phần từ 51% lên 83% tại Lazada, trang thương mại điện tử có trụ sở tại Đông Nam Á. Họ cũng đang thiết lập một trung tâm hậu cần quốc tế tại Malaysia vào cuối năm 2019, trung tâm sẽ hoạt động như một cơ quan thông quan, kho bãi và thực hiện các thủ tục hải quan cho Malaysia và các nước trong khu vực nhằm cung cấp các giải pháp cho xuất khẩu và nhập khẩu.
|
Tỷ phú Amazon đang kiếm bội tiền |
JD.com, đối thủ khốc liệt nhất của Alibaba trong thương mại điện tử Trung Quốc, đang gia nhập vào khu vực qua Indonesia và Thái Lan. JD đang đàm phán để thực hiện một khoản đầu tư lớn vào Tokopedia, một trong những trang trực tuyến lớn nhất của Indonesia, và họ đã công bố sự mở rộng tại Thái Lan vào cuối năm nay.
Central Group cũng đã mua lại Zalola Việt Nam, một trong những thương hiệu của Rocket Internet (Đức) sau thương vụ mua lại Nguyễn Kim. Central Group cho biết, Tập đoàn quyết định mua Zalora Thái Lan vì đơn vị này đang dẫn đầu trong lĩnh vực thời trang trực tuyến tại Đông Nam Á, và nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp Tập đoàn tăng cường kênh phân phối.
Thống kê của iPrice chỉ ra rằng, điểm Top 10 doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất, có tới 8 doanh nghiệp trong số đó là doanh nghiệp nội địa. Trong đó, có rất nhiều tên tuổi vốn đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt như: Thế Giới Di Động, Sendo, Tiki, Vật Giá, FPT Shop, Điện Máy Xanh, Adayroi, Nguyễn Kim.
Tiki từng được biết tới như một tên tuổi lớn trên thị trường nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần VNG mới công bố, phần lỗ từ Tiki mà VNG ghi nhận theo tỷ lệ sở hữu (38%) trong năm 2017 là 125,3 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị khoản đầu tư vào trang thương mại điện tử này tính tới cuối năm 2017 chỉ còn 165,7 tỷ, giảm 218,7 tỷ so với giá trị số vốn đầu tư ban đầu. Mới đây, vào giữa tháng 1/2018, tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc JD.com đã tiếp tục rót tiền đầu tư chiến lược vào Tiki.
Trong khi đó, Adayroi của Vingroup và Sendo của FPT đang có những chiến lược riêng mở rộng thị trường. Adayroi có thuận lợi cơ bản về uy tín, nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và tập khách hàng đông đảo từ các sản phẩm và dịch vụ của Vingroup.
Có thể nói, với sự góp mặt của Amazon, thị phần bán lẻ trực tuyến trong nước chắc chắn sẽ thay đổi nhiều trong thời gian tới. Khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn phương thức mua sắm tiện nghi từ máy tính hoặc điện thoại di động, thì cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ trực tuyến cũng tiếp tục gay cấn hơn khi những ông lớn không ngừng đẩy nhanh sự mở rộng của họ và nhiều người chơi mới tham gia vào cuộc chiến. Trong cuộc đua này, người tiêu dùng chắc chắn sẽ hưởng lợi.
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM, lạc quan rằng, thị trường sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt để thu hút người mua hàng và dành thị phần, tạo cho người dùng nhiều lợi ích cũng như sự lựa chọn. Đồng thời, điều này sẽ thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, dịch chuyển sang mua sắm và thanh toán online, thông qua đó thúc đẩy TMĐT ở Việt Nam và các dịch vụ hỗ trợ TMĐT như: vận chuyển, thanh toán, digital marketing... phát triển mạnh.
Đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp trong nước, ông Tuyến cho rằng, các công ty vừa và nhỏ bắt phải ứng dụng công nghệ tối đa để tăng khả năng cạnh tranh. Bán hàng đa kênh để tăng điểm chạm với khách hàng sẽ là một giải pháp cho các công ty vừa và nhỏ trong vài năm tới.
Theo Duy Anh/Vietnamnet