Độc lạ "gõ" vào cây kiếm tiền triệu mỗi ngày
Theo sự giới thiệu của Trưởng thôn Tân Đông, Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi đến một vườn sầu riêng đang tiến hành cắt quả, đó là hộ ông Trần Quang Tá (ở thôn Tân Đông). Chúng tôi được "mục sở thị" quá trình cắt sầu riêng theo cách rất độc lạ…
Nghề gõ sầu riêng của anh Trần Văn Hải phải thường xuyên "đu" mình trên cao cả chục mét
Vừa đu mình trên cây sầu riêng cao cả chục mét, anh Trần Văn Hải (38 tuổi, quê ở Tiền Giang) vừa dùng cán dao Thái gõ từng trái sầu riêng để lắng nghe âm thanh. Trái nào vang lên tiếng "bộp bộp" anh nhanh chóng lia dao và ném ngay xuống phía dưới đang có người chờ hứng.
Vừa thoăn thoắt hái, anh Hải vừa nói: "Tôi gõ dao vào quả để nhận diện số tuổi. Chỉ cần qua âm thanh vọng lại tôi có thể biết đâu là trái già đủ tuổi để cắt. Chẳng hạn như sầu riêng chín khi gõ sẽ nghe tiếng "bộp bộp", còn tiếng cứng "boong boong" là sầu riêng non, chưa đủ tuổi. Ngoài ra, tôi quan sát bằng mắt thường, trái nào gai sẫm mẫu là đã chín".
Anh Hải bộc bạch, từ nhỏ, vào lúc thu hoạch trái sầu riêng, anh đi theo thương lái và học "lỏm" được nghề gõ sầu riêng. Dần dần thì thành thạo nghề. Trước khi trở thành thợ gõ sầu riêng chuyên nghiệp như hôm nay, anh cũng nhiều lần cắt nhầm trái non và phải đền tiền cho thương lái. Đến nay, theo nghề được 5 năm anh đã tự tin gõ sầu riêng với tỷ lệ 100% trái sầu chín.
Sau khi quả sầu riêng hái xuống, anh Trần Văn Hải bổ ra ngay tại vườn kiểm tra đã đạt đủ độ tuổi, quả chín vàng ươm
Nói về thu nhập từ nghề gõ sầu riêng, anh Hải hào hứng nói, thợ lành nghề và đoán chính xác tuổi sầu riêng như anh sẽ nhận được tiền công là 2 triệu đồng/ngày. Cả năm anh đi khắp các vườn ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và miền Tây như Tiền Giang, Long Khánh, Tây Ninh, Đắk Lắk….thu nhập đạt khoảng 400 triệu/năm.
Ngay bên cạnh cây sầu riêng anh Hải đang hái, anh Trần Văn Hứa (43 tuổi, quê ở tỉnh Tiền Giang) cũng đang chăm chú gõ từng quả sầu riêng. Anh Hứa vui vẻ kể: "Công việc này chúng tôi được trả thù công theo ngày. Chẳng hạn vườn ông Tá, chúng tôi được thuê cắt 3 đợt trong 1 tháng, tổng sản lượng là 50 tấn. Mỗi đợt cắt thế này cách nhau 10 ngày, trong khoảng nghỉ đó chúng tôi sẽ lại đến vườn khác cắt tiếp".
Vụ sầu riêng Đắk Lắk năm nay anh Trần Văn Hứa cũng kiếm được 45 triệu/tháng nhờ nghề gõ loại quả này
Anh Hứa bộc bạch, đây cũng là nghề ổn định, mang lại thu nhập tốt giúp anh cải thiện đời sống gia đình. Thời điểm hiện tại sầu riêng Đắk Lắk đang chính vụ, sản lượng sầu riêng cao, tôi phải đi khắp tỉnh Đắk Lắk làm và kiếm được khoảng 45 triệu đồng/tháng.
Thu nhập cao là vậy nhưng nghề gõ sầu riêng cũng đối diện nhiều rủi ro về tính mạng. "Quá trình leo lên cây để gõ, nếu không quan sát kỹ lưỡng, trèo trúng cành mục, khô thì sẽ bị ngã ngay, nếu đang ở độ cao hàng chục mét thì càng nguy hiểm. Tôi cũng từng bị rơi từ trên cao xuống nhưng độ cao thấp, may mắn chỉ xây sát nhẹ", anh Hứa chia sẻ.
"Hứng" sầu riêng…800.000 đồng/ngày
Ở dưới cây sầu riêng các thợ gõ đang làm tại vườn ông Tá là những người thanh niên trẻ tuổi đang chăm chỉ chụp từng quả sầu riêng. Bạn Ban Tiến Đạt (26 tuổi, ở thôn Thăng Bình, xã Ea Kênh) theo nghề "hứng" sầu riêng đã được 2 năm.
Đạt chia sẻ: Cách chụp sầu riêng nghe qua thì tưởng đơn giản nhưng cần có kỹ thuật chụp đúng cách. Cụ thể, phải nắm bắt chính xác vị trí quả sầu riêng từ trên cao rớt xuống, nếu xác định sai sẽ khiến quả sầu riêng rơi trúng người. Và nhất là cần có thế đứng tốt để trụ vững đôi chân, đầu gối hơi khụm xuống để khi quả to hái xuống không bị ngã.
Ngoài ra, theo bạn Đạt, khi quả cắt từ trên cao thì dùng giỏ nhựa đan để hứng, còn quả cắt từ vị trí thấp thì dùng bao tay vải để tránh xây xát da tay.
Nghề hứng sầu riêng cũng mang lại thu nhập cao cho nhiều thanh niên như bạn Ban Tiến Đạt với 800.000 đồng/ngày
Chia sẻ về thu nhập, Đạt phấn khởi: "Từ đầu năm đến giờ tôi đi làm ở các tỉnh có các vụ sầu riêng là Tiền Giang, Long Khánh, Tây Ninh, Bình Phước và thời điểm này là Đắk Lắk, cuối năm tôi lại tiếp tục trở lại Tiền Giang, nên thu nhập từ công việc này cũng thường xuyên. Tôi được trả công 800.000 đồng/ngày vì đã quen việc và lành nghề".
Ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, đơn vị chuyên xuất khẩu sầu riêng cho biết, công ty hiện thuê 40 – 50 người đi gõ, chụp sầu riêng… lành nghề đã làm nhiều năm nay, đây là đội ngũ rất quan trọng, quyết định chất lượng sản phẩm.
"Công thợ được chúng tôi trả theo ngày. Mỗi thợ gõ, chúng tôi trả 1-1,5 triệu đồng/ngày, còn thợ chụp sầu riêng 500.000 đồng/ngày. Vì công ty chúng tôi là đơn vị xuất khẩu lâu năm về quả sầu riêng, nên giá thuê thợ cũng ổn định hơn so với những đơn vị khác" ông Huy chia sẻ thêm.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk cho biết, hiện tỉnh có hơn 22.000 ha sầu riêng và là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ nhất cả nước. Riêng vụ 2023 toàn tỉnh ước tính có khoảng 200.000 tấn sầu riêng. Việc thu mua sầu riêng vẫn còn hiện tượng bỏ cọc, cắt 1 dao…nhưng cơ bản vẫn diễn ra thuận lợi. Cơ quan chuyên môn và cơ quan chức năng luôn chủ động vào cuộc quyết liệt để đảm bảo công tác thu hoạch sầu riêng diễn ra an toàn.
Theo Thùy Duyên/Dân Việt