12 năm trồng bưởi trên vùng đất phèn Bình Chánh
Bắt đầu đến vùng đất Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) vào năm 2011 khi vùng đất này còn khá hoang sơ, bà Hà Thị Bưởi quyết định trồng cây bưởi để tìm cách lập nghiệp. Với vùng đất mới, mặc dù được địa phương hỗ trợ nhiều về kiến thức thổ nhưỡng, nhưng chưa có kinh nghiệm bà Bưởi đã gặp nhiều khó khăn bởi chính cái cây mang tên của mình.
Vùng đất Phạm Văn Hai vốn phèn lại còn là vùng trung hễ mưa là ngập úng khiến bà Bưởi "nếm trái đắng" khi cây giống chết vì ngập nước.
Nhớ lại kinh nghiệm xương máu những ngày đầu, bà Bưởi cho biết: "Đất này nắng rất cứng, nhưng mưa rất nhũn. Mình phải có hệ thống tưới tiêu tốt. Đặc biệt nó trũng lắm, về mùa mưa lớn là ngập ngay. Phải dùng bờ bao, khi ngập phải bơm ngay. Cây bưởi này ưa nước nhưng không chịu được úng, ngập 1-2 ngày là chết hết. Mưa là phải cứu luôn không để ngập gốc cây quá 1 ngày".
|
Bà Hà Thị Bưởi ngụ ấp 4 xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chọn cây bưởi để lập nghiệp.
|
Quyết vượt qua khó khăn, gia đình bà thực hiện quy hoạch lại vườn một cách khoa học cùng sự hỗ trợ của địa phương để tạo hệ thống tưới thoát nước phòng úng ngập và rửa chua, xả phèn. Bên cạnh, bà đó ứng dụng kiến thức được chuyển giao từ địa phương vào thực tế sản xuất để từng bước tạo hiệu quả canh tác.
Bà tiến hành đào mương, lên liếp nhằm mục đích xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác. Mương thoát và tiêu nước có chiều rộng từ 1-2m, liếp có chiều ngang từ 5-8m và xung quanh vườn có bờ bao kiên cố để bảo vệ cây trồng khi có mưa, lũ.
Với việc chăm sóc bưởi, ban đầu chưa có kinh nghiệm, bà Bưởi phải để cây 3 năm mới cho trái, sau những bài học vườn bưởi của bà chỉ cần 1 năm rưỡi đã có trái xum xuê.
"Lúc đầu tôi cứ để tự nhiên nên 3 năm cây bưởi mới cho trái, và như vậy 2 năm sau mới thu hồi vốn, vị chi là 5 năm. Nhưng sau đó đúc kết kinh nghiệm, chỉ 1 năm rưỡi bưởi đã cho trái và việc thu hồi vốn nhanh hơn", bà Bưởi chia sẻ.
|
Bà Hà Thị Bưởi và trái bưởi da xanh giúp bà làm nên cơ nghiệp.
|
Theo bà Bưởi, khi trồng bưởi da xanh bà con không được trồng xen với các loại cây có múi khác để tránh thụ phấn chéo, chỉ nên trồng loại bưởi chiết để rễ ăn ngang, tránh gặp tầng sinh phèn, mau ra trái, bảo đảm chất lượng. Mỗi ha trồng khoảng 500 - 600 cây, trồng cây vào tháng 6 - 7 hàng năm.
Năm đầu cần tỉa bỏ tất cả trái non, năm thứ hai chỉ chừa mỗi cây 1 trái, năm thứ ba để trái vừa phải. Số trái giữ lại trên cây sẽ tăng dần vào những năm sau. Bưởi da xanh cho trái quanh năm. Để có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường vào thời điểm giá cả có lợi cho người sản xuất, nên kích thích ra hoa, cho đậu trái từ 7 đến 8 tháng trước ngày thu hoạch. Nên thu hoạch khi bưởi vừa chín tới, da sẽ căng láng. Không nên hái trái khi chưa chín hoặc hái quá trễ sẽ làm giảm giá trị của bưởi.
Xây nhà to nhờ cây bưởi da xanh
Dẫu vùng đất Phạm Văn Hai chua phèn, nhưng lại phù hợp với cây bưởi khi chăm sóc đúng cách sẽ cho trái ngon với hương vị đặc trưng. Vườn bưởi của bà cho thu hoạch bán được giá cao không kém gì bưởi ở những nơi khác. Từ đó, với tư duy nhạy bén, bà Bưởi đã ghép những gốc bưởi da xanh, tạo nên vườn bưởi da xanh phát triển rộng trên vùng đất chua phèn.
Dựa vào kinh nghiệm và khả năng học hỏi, tiếp thu vận dụng kiến thức khoa học, quy trình, kỹ thuật được chuyển giao, giờ đây bà Bưởi có thể yên tâm vững tin phát triển mô hình bưởi da xanh ở Phạm Văn Hai, kể cả xử lý ra hoa, chăm sóc trái vụ đến việc quản lý và phòng trừ sâu bệnh.
|
Vườn bưởi của bà Hà Thị Bưởi được quy hoạch khoa học đường trong vườn cũng đỏ bê-tông để dễ vận chuyển và chăm sóc cây trồng.
|
"Tuỳ thổ nhưỡng mà chăm sóc. Mình lấy bưởi da xanh Bến Tre về nhưng phải chăm sóc khác Bến Tre nếu làm như Bến Tre lại không hiệu quả cao. Cây bưởi này phải dùng phân hữu cơ thì chất lượng bưởi mới ngon, tuy có cực hơn", bà Bưởi chia sẻ thêm.
Không chỉ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để trồng bưởi đạt hiệu quả trên vùng đất phèn, bà Bưởi cùng nhiều bà con nơi đây còn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất bưởi an toàn. Nhờ vậy sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng khi tép bưởi có màu hồng đỏ bó chặt, dễ tách khỏi vách múi, có vị ngọt thanh và ít hạt, trái bưởi bóng bẩy và có màu xanh hơi vàng khi chín, cùng với vỏ mỏng.
Giá bưởi da xanh hiện tại riêng với vườn bà Bưởi là 40.000 đồng/ký, hơn các vườn khác 5.000 đồng/ký. Tuy nhiên, việc bưởi của bà có vị ngọt và giòn đặc trưng nên sản lượng này cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của thương lái.
Đến nay diện tích vườn bà Bưởi canh tác gồm 30.000m2 với 2.000 gốc, trung bình 1 gốc bưởi 4 năm tuổi trở lên có thể cho hơn 35 trái, mỗi trái trung bình 1,5kg, thu hoạch một năm khoảng 30 tấn. Mỗi năm nếu chăm sóc tốt vườn bưởi sẽ cho 30 tấn thu về hơn 1 tỷ, trừ các chi phí bà dư 800 – 900 triệu mỗi năm nhờ vườn bưởi.
Sau 12 năm gắn bó với cây bưởi trên vùng đất phèn, bà và gia đình có được thu nhập cao so với trước đây và mặt bằng chung. Nhờ đó, bà đã xây dựng khu nhà khang trang và sắm thêm nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc vườn tốt hơn.
Mô hình trồng bưởi da xanh của bà Bưởi đạt được hiệu quả, nhiều hộ gia đình trong xóm, ấp cũng đã đến tham qua học hỏi, bắt tay vào trồng các loại cây ăn trái. Qua đó, mở ra một triển vọng mới trong việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, giúp nông dân xã Phạm Văn Hai nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác, góp phần vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo Lê Giang / Dân Việt